Cách thức thực hiện chuyển nhượng vốn và dự án đầu tư nước ngoài

Cơ sở pháp lý

Thông tư số 06/2019/TT-NHNN Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Giải thích từ ngữ

1. Nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại a) có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:

(i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

(ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

(iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

c) Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Người cư trú là nhà đầu tư Việt Nam được góp vốn đầu tư bằng nguồn ngoại tệ tự có.

Cách thức thực hiện chuyển nhượng vốn

Theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN, việc thanh toán giá trị chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:

(i) Giữa các nhà đầu tư là người không cư trú hoặc giữa các nhà đầu tư là người cư trú không thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp; 

Ví dụ:

  • Công ty A (100% vốn từ nhà đầu tư Việt Nam) mua cổ phần của ông B (Quốc tịch Việt Nam) tại Công ty C (Thành lập tại Việt Nam) thì không thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
  • Ông A (Quốc tịch Singapore) mua cổ phần của Công ty B (Thành lập tại Thái Lan) tại Công ty C (thành lập tại Việt Nam) thì không thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

(ii) Giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

Ví dụ:

  • Công ty A (100% vốn từ nhà đầu tư Trung Quốc) mua cổ phần của ông B (Quốc tịch Việt Nam) tại Công ty C (thành lập tại Việt Nam) thì phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

Cách thức thực hiện chuyển nhượng dự án đầu tư

(i) Giữa các nhà đầu tư là người không cư trú hoặc giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú trong hợp đồng BCC phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp;

(ii) Giữa các nhà đầu tư là người không cư trú hoặc giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú trực tiếp thực hiện dự án PPP phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

Đồng tiền định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư giữa hai người không cư trú được phép thực hiện bằng ngoại tệ;

Việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư giữa người cư trú và người không cư trú, giữa người cư trú với nhau phải thực hiện bằng đồng Việt Nam.

 

Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Cách thức thực hiện chuyển nhượng vốn và dự án đầu tư nước ngoài. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:

Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;

Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;

Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!