Theo Luật Doanh nghiệp, cổ phần được tự do chuyển nhượng. Tuy nhiên, người nắm giữ cổ phần có thể bị hạn chế quyền được tự do chuyển nhượng này trong một số trường hợp. Hãy cùng Luật Hồng Bàng tìm hiểu các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần qua bài viết sau.
Đối với cổ đông sáng lập
Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập chỉ có thể tự do chuyển nhượng số cổ phần mà mình nắm giữ cho nhau mà không thể tự do chuyển nhượng cho các đối tượng khác không phải là cổ đông sáng lập. Nếu muốn chuyển nhượng cho các đối tượng khác thì phải được sự đồng ý, chấp thuận từ Đại hội đồng cổ đông.
Hạn chế theo quy định tại Điều lệ công ty
Nếu trong Điều lệ công ty có các quy định với nội dung hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần của một hay một số cổ đông (mà các quy định này không trái với quy định của pháp luật) thì quyền tự do chuyển nhượng cổ phần sẽ bị hạn chế theo như nội dung quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Hạn chế theo quy định tại Thỏa thuận cổ đông
Một trong số những nội dung thường được quy định trong Thỏa thuận cổ đông chính là các quy định hạn chế quyền chuyển nhượng của các cổ đông tham gia thỏa thuận. Thỏa thuận cổ đông thường được lập với mục đích nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần. Việc quy định việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong thỏa thuận cổ đông cũng nhằm bảo đảm thỏa thuận này được duy trì thực hiện, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của tất cả những cổ đông tham gia thỏa thuận.
Việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần tại Thỏa thuận cổ đông có thể được thể hiện dưới dạng quyền ưu tiên mua cổ phần của những cổ đông khác tham gia Thỏa thuận cổ đông. Cụ thể, các cổ đông tham gia Thỏa thuận cổ đông có thể quy định trong trường hợp một cổ đông tham gia thỏa thuận muốn chuyển nhượng cổ phần của mình thì các cổ đông tham gia thỏa thuận khác được quyền ưu tiên mua lại số cổ phần mà cổ đông này nắm giữ. Nếu các cổ đông khác không mua hoặc không mua hết số cổ phần mà cổ đông này có ý định chuyển nhượng thì cổ đồng này mới được tự do chuyển nhượng cho những đối tượng khác.
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:
Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!