Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, để làm rõ các quy định của pháp luật về các khoản thuế cụ thể mà tổ chức, cá nhân nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng phải nộp, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những phân tích cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý
- Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài
- Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013;
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013;
- Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007;
- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019;
- Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Các loại thuế mà doanh nghiệp nước ngoài phải nộp
Lệ phí môn bài
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Lệ phí môn bài là khoản lệ phí trực thu và thường là định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp. Lệ phí môn bài được thu hàng năm, mức thu theo bậc dựa vào vốn đăng ký hoặc doanh thu một năm của doanh nghiệp.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Trong trường hợp tổ chức: (i) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng; hoặc (ii) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp. Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Số thuế phải nộp được dựa trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển
Thu nhập chịu thuế = (doanh thu – chi phí được trừ) + thu nhập chịu thuế khác
Như vậy, công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp là:
Thuế TNDN = (doanh thu – chi phí được trừ + thu nhập chịu thuế khác – Thu nhập được miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển) x Thuế suất thuế TNDN
Thuế suất thuế TNDN
- Mức thuế suất 20% áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
- Mức thuế suất từ 32% – 50% sẽ áp dụng cho những doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam.
- Mức thuế suất 50% sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm. Ví dụ như: bạch kim, vàng, bạc, thiếc,đá quý, đất hiếm trừ dầu khí, vonfram và antimon.
Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ. Thuế GTGT còn được phát sinh đến khâu cuối cùng là tiêu dùng. Mặc dù người tiêu dùng mới chính là người chi trả thuế GTGT nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng gồm phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.
Phương pháp khấu trừ thuế GTGT
- Đối tượng áp dụng
(i) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp.
(ii) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế
(iii) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.
- Công thức (theo quy định tại Điều 12 Thông tư 210/2013/TT-BTC)
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT
- Đối tượng áp dụng
(i) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế
(ii) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
(iii) Hộ, cá nhân kinh doanh;
(iv) Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí;
(v) Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
- Công thức
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Thuế xuất nhập khẩu
Đối tượng chịu thuế bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Người nộp thuế bao gồm:
- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
- Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế.
- Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
- Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
Thuế tài nguyên
Thuế tài nguyên là một loại thuế gián thu, đây là số tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác, thuế tài nguyên là một loại thuế điều tiết thu nhập về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Cách tính thuế:
Thuế tài nguyên phải nộp = sản lượng tài nguyên tính thuế x giá tính thuế x thuế suất
Thuế bảo vệ môi trường
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường
Cách tính thuế:
Thuế bảo vệ môi trường phải nộp = số lượng hàng hóa chịu thuế x mức thuế tuyệt đối trên đơn vị hàng hóa
Thuế sử dụng đất
Có hai loại thuế sử dụng đất mà doanh nghiệp nước ngoài phải đóng đó là thuế đối với đất kinh doanh sử dụng toàn bộ vào mục đích kinh doanh và thuế đối với đất phi nông nghiệp sử dụng cho mục đích kinh doanh không xác định được phần diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt, mang tính chất xa xỉ do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.
Cách tính thuế:
Thuế tiêu thụ đặc biệt = giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt x thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt