Biện pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản theo Luật đầu tư 2020

Hoạt động đầu tư kinh doanh được bắt đầu bằng việc nhà đầu tư phải tiến hành “bỏ vốn’ hay nói cách khác là phải “sử dụng một lượng tài sản” của mình để tìm kiếm lợi ích lớn hơn trong tương lai. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm hàng đầu trong trường hợp này là khối tài sản mà mình đem đi đầu tư có luôn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình hay không? (Trừ những trường hợp hoạt động đầu tư được tiến hành không hiệu quả nhà đầu tư phải dùng tài sản của mình để trả nợ). Đây cũng là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng của nhà đầu tư khi xuất phát từ bản chất chế độ tư hữu tài sản, bất kỳ chủ đề nào trong xã hội không riêng các nhà đầu tư khi tích lũy được một khối tài sản nhất định đều có nhu cầu được bảo vệ và phát triển khối tài sản này. Đặc biệt khác với các chủ thể khác, các chủ đầu tư lại sử dụng khối tài sản này để bắt đầu hoạt động đầu tư kinh doanh thì nhu cầu này lại càng trở nên bức thiết bởi lẽ, khối tài sản này sẽ được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế với khả năng gặp rủi ro là khá cao.

Tuy nhiên, nếu chỉ với mục đích công nhận quyền sở hữu tài sản nói chung trước các chủ thể khác trong xã hội thì chỉ cần sử dụng các quy định của hệ thống pháp luật dân sự là nhà đầu tư có thể thiết lập được một cơ chế bảo vệ khá hữu hiệu cho mình. Vấn đề đặt ra ở đây là hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư luôn được xác định bằng hành vi “tạo lập tài sản” trong một lãnh thổ, địa bàn đầu tư nhất định. Do đó, xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia với nội dung là là mỗi một nhà nước có quyền định đoạt tối cao trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình bao gồm cả công dân và tài sản của công dân, các nhà nước tiếp nhận đầu tư luôn có quyền định đoạt nhất định với tài sản trên lãnh thổ nước mình trong những trường hợp cần thiết. Vì vậy, tài sản của nhà đầu tư tạo lập trong quá trình tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh cũng không phải là một ngoại lệ trong tình huống này.

Trong những trường hợp nhất, nhà nước tiếp nhận đầu tư có toàn quyền quyết định đối với tài sản của nhà đầu tư nói riêng cũng như tài sản của các chủ thể khác nói chung trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình. Mà biểu hiện tối cao của quyền này là nhà nước tiếp nhận đầu tư có quyền tuyên bố “quốc hữu hóa” đối với tài sản của các thể nhân và pháp nhân trên lãnh thổ quốc gia tiếp nhận đầu tư. Hay nói cách khác nhà nước tiếp nhận đầu tư có quyền “biến tài sản thuộc sở hữu của nhà đầu tư trở thành tài sản của quốc gia tiếp nhận đầu tư” thông qua một quy trình thủ tục được luật hóa. Và quan trọng là không phải là trường hợp nào Nhà đầu tư bị tuyên bố quốc hữu hóa tài sản cũng được đền bù kinh phí từ phía nhà nước thực hiện quy trình đặc biệt này. Như vậy, nhà đầu tư có thể sẽ “mất trắng” tài sản đầu tư của mình khi bị nhà nước tiếp nhận đầu tư tịch thu hay sung công tài sản. Từ đây có thể thấy bên cạnh những nguy cơ xâm hại quyền sở hữu tài sản từ các chủ thể khác trong xã hội thì bản thân các nhà đầu tư lại phải đối mặt với một nguy cơ rất lớn là gặp rủi ro thiệt hại toàn bộ tài sản đầu tư trong kinh doanh đến từ chính các quốc gia tiếp nhận đầu tư thông qua quá trình thực thi quyền lực tuyệt đối của mình trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.

Chính vì vậy để làm yên lòng các nhà đầu tư cũng như thể hiện sự thiện chí của mình đối với họ, các quốc gia tiếp nhận đầu tư trong đó có Việt Nam luôn thiết kế các quy định mang tính cam kết bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư như là một trong những nội dung không thể thiếu trong các quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư. Cụ thể, Theo Điều 10 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 quy định về biện pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản như sau:

“Điều 10. Bảo đảm quyền sở hữu tài sản

1. Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

2. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Trước hết, nhà nước Việt Nam cam kết “không quốc hữu hóa hoặc tịch thu tài sản hợp pháp của nhà đầu tư bằng biện pháp hành chính”. Với cam kết này, các nhà đầu tư vào Việt Nam hoàn toàn yên tâm về tài sản hợp pháp của họ sẽ không bị nhà nước Việt Nam biến thành tài sản quốc gia thông qua biện pháp hành chính. Và như vậy, nguy cơ rủi ro ở mức độ cao nhất “mất trắng” toàn bộ tài sản của nhà đầu tư vào tay nhà nước là bằng không nếu như tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tiếp theo đó, kể cả trong trường hợp “vì lý do quốc phòng an ninh” hoặc “vì lợi ích quốc” hay “trong những tình trạng khẩn cấp” thì tài sản của nhà đầu tư cũng chỉ bị nhà nước Việt Nam “trưng mua, trung dụng” và trong tình huống này nhà đầu tư sẽ được “thanh toán bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư chỉ có khả năng bị xâm hại thông qua quy “trưng mua, trung dụng” của nhà nước với một sự đền bù kinh phí thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Quan trọng hơn, khả năng này cũng rất hạn chế xảy ra khi lý do để tiến hành “trưng mua, trưng dụng” cũng chỉ được quy định hạn hẹp trong một số trường hợp.

Đây là một trong những biện pháp bảo đảm đầu tư có tính truyền thống khi được ghi nhận trong các văn bản Luật đầu tư qua các thời kỳ từ Luật khuyến khích đầu tư năm 1994 sửa đổi năm 1998 cho đến Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 1996 sửa đổi, bổ sung năm 2000 Luật đầu tư năm 2005 đến Luật đầu tư 2014 cho đến Luật đầu tư năm 2020 hiện hành. Ngoài ra, biện pháp bảo đảm đầu tư này là một sự hứa hẹn, cam kết dành cho tất cả các nhà đầu tư cầu hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam, không phân biệt quốc tịch cũng như nguồn gốc tài sản đầu tư của nhà đầu tư.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG