Trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, nhà đầu tư có thể gặp phải rất nhiều rủi ro, các rủi ro này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và một trong những nguyên nhân đó là sự thay đổi pháp luật của quốc gia tiếp nhận đầu tư. Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia, Nhà nước tiếp nhận đầu tư có quyền ban hành hệ thống pháp luật nhằm quản lý hoạt động đầu tư. Như vậy, hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư không phân biệt quốc tịch luôn chịu sự tác động và điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật quốc gia tiếp nhận đầu tư. Do đó, nếu hệ thống pháp luật quốc gia tiếp nhận đầu tư mà ổn định, minh bạch, thông thoáng thì sẽ có tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư. Ngược lại, nếu hệ thống pháp luật đầu tư bất ổn, rườm rà, chồng chéo thì cũng sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực không nhỏ đối với kết quả của hoạt động đầu tư. Mặc dù vậy, không thể đòi hỏi và kỳ vọng hệ thống pháp luật của các quốc gia tiếp nhận đầu tư là bất biến, không có sự thay đổi bởi lẽ từ nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện hoàn cảnh kinh tế – xã hội thay đổi hoặc các quan hệ xã hội thay đổi thì buộc pháp luật trong lĩnh vực đầu tư phải có sự thay đổi cho phù hợp.
Quan trọng hơn là những rủi ro trên đây là những rủi ro không có tính dự báo và cũng không thể kiểm soát được từ phía nhà đầu tư. Vậy thì không có biện pháp nào đảm bảo tốt hơn đối với nhà đầu tư bằng một cam kết từ phía chủ thể ban hành ra pháp luật chính là Nhà nước tiếp nhận đầu tư về việc bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các nhà đầu tư khi có sự thay đổi.
Theo Khoản 1 Khoản 2 Điều 13 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật đầu tư 2020) quy định về cam kết của Việt Nam về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật như sau:
“Điều 13. Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật
1. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 20 của Luật này.
2. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.”
Điểm a Khoản 5 Điều 20 Luật đầu tư 2020 quy định:
“Điều 20. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt
5. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;”
Về bản chất, những thay đổi của pháp luật đầu tư nói riêng cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung sẽ không có hiệu lực điều chỉnh đối với các quan hệ xã hội hay quan hệ đầu tư đã hình thành và phát sinh trước thời điểm ban hành những văn bản pháp luật chứa đựng sự thay đổi về ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư bởi sự chi phối của nguyên tắc pháp luật không có hiệu lực hồi tố. Nghĩa là những quan hệ xã hội phát sinh trước thời điểm ban hành văn bản pháp luật sẽ không chịu sự điều chỉnh của những văn bản pháp luật này. Như vậy, quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp này có sự thay đổi pháp luật, nhà nước Việt Nam đã chấp nhận thiết kế một quy định đi ngược lại với nguyên tắc pháp luật cơ bản để đổi lại một cơ chế đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho các nhà đầu tư. Qua đó, có thể khẳng định thông qua cam kết trên đây, nhà nước Việt Nam thực hiện được hai mục đích:
Một là, giúp cho các nhà đầu tư không phải chịu sự tác động tiêu cực từ việc thay đổi các quy định của pháp luật theo hướng kéo ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư.
Hai là, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tận dụng được các ưu đãi đầu tư lớn hơn từ sự thay đổi của pháp luật.
Cả hai mục đích này đều đem lại một kết quả tích cực cho nhà đầu tư đó là làm tăng khả năng thành công và đem lại hiệu quả cho hoạt động đầu tư của họ.
Tuy nhiên, các quy định trên đây có những ngoại lệ nhất định đặc biệt là quy định về duy trì quyền được ưu đãi không đổi của nhà đầu tư khi pháp luật đầu tư mới được ban hành có nội dung ưu đãi thấp hơn. Theo Khoản 3 Khoản 4 Điều 13 Luật đầu tư năm 2020 quy định trong những trường hợp vì lý do:
“Điều 13. Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật
3. Quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.”
Thì các nhà đầu tư như sẽ không tiếp tục được hưởng các ưu đãi đầu tư như thời kỳ trước đó mà phải hưởng ưu đãi đầu tư thấp kém hơn theo quy định pháp luật đầu tư mới được ban hành. Quy định về trường hợp ngoại lệ này là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo những lợi ích ở tầm Quốc gia Nghĩa là lợi ích to lớn, thiết thực và quan trọng hơn trong tương quan so sánh với lợi ích của nhà đầu tư.
Trong tình huống này, để đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, nhà nước tiếp nhận đầu tư có các biện pháp để bù đắp tổn thất mà nhà đầu tư có thể gánh chịu khi bắt buộc phải áp dụng một mức ưu đãi thấp kém hơn mức ưu đãi mà họ đang được hưởng do có sự thay đổi của pháp luật. Cụ thể theo Khoản 4 Điều 13 Luật đầu tư năm 2020 quy định như sau:
“Điều 13. Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật
4. Trường hợp nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều này thì được xem xét, giải quyết bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:
a) Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế;.
b) Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư;
c) Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.”
Đây được nhìn nhận như một cách thức chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư từ phía nhà nước tiếp nhận đầu tư một cách thiết thực và vô cùng có ý nghĩa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi có sự thay đổi pháp luật đầu tư, nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư mặc dù để làm được điều này nhà nước Việt Nam có thể phải nhận về mình những thua thiệt nhất định. Từ đó, có thể khẳng định cam kết trên đây là một minh chứng để chứng minh cho sự thiện chí, hợp tác và hoan nghênh các nhà đầu tư đến với môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG