Theo quy định của pháp luật, ghi âm lén có được coi là chứng cứ không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp.
1. Chứng cứ và nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự
1.1. Chứng cứ
Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định:
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Có các loại chứng cứ sau:
(1) Chứng cứ trực tiếp
Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ liên quan trực tiếp đến đối tượng chứng minh. Thông qua chứng cứ trực tiếp có thể xác định được những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
(2) Chứng cứ gián tiếp
Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không liên quan trực tiếp mà chỉ liên quan gián tiếp đến đối tượng chứng minh. Chỉ khi kết hợp với các chứng cứ khác, chứng cứ gián tiếp mới có thể giúp xác định được đối tượng chứng minh.
(3) Chứng cứ buộc tội
Chứng cứ buộc tội là chứng cứ xác định tội phạm được thực hiện, xác định người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết định khung tăng nặng, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác bất lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.
(4) Chứng cứ gỡ tội
Chứng cứ gỡ tội là chứng cứ xác định không có hành vi phạm tội, xác định hành vi không cấu thành tội phạm, xác định các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, các tình tiết định khung giảm nhẹ, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác có lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.
(5) Chứng cứ gốc
Chứng cứ gốc là chứng cứ được thu thập trực tiếp từ nơi xuất xứ mà không thông qua một khâu trung gian nào. Trường hợp người làm chứng trực tiếp biết được các tình tiết liên quan đến vụ án và tự mình khai báo với cơ quan tiến hành tố tụng thì nội dung lời khai đó là chứng cứ gốc.
(6) Chứng cứ thuật lại
Chứng cứ thuật lại là chứng cứ thu thập được không phải trực tiếp từ nơi xuất xứ mà qua một hay nhiều khâu trung gian. Những thông tin, tư liệu liên quan đến đối tượng chứng minh hay sự kiện chứng minh được thu thập thông qua bản sao hoặc qua một người được nghe kể lại.
1.2. Nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự
Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về nguồn chứng cứ gồm:
- Vật chứng;
- Lời khai, lời trình bày;
- Dữ liệu điện tử;
- Kết luận giám định, định giá tài sản;
- Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
- Các tài liệu, đồ vật khác.
2. Bản ghi âm lén có được coi là chứng cứ không?
Bản ghi âm là một hình thức dữ liệu điện tử, nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự. Cụ thể, Điều 99 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định:
- Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử;
- Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác;
- Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Mặc dù được xác định là nguồn chứng cứ nhưng các bản ghi âm “lén” chưa chắc đã được coi là chứng cứ.
Căn cứ khoản 4 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, khi tiếp nhận băng ghi âm liên quan đến vụ án do những người bào chữa, người bị hại, người làm chứng… cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 99 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, giá trị chứng cứ của bản ghi âm sẽ được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi; tính toàn vẹn của bản ghi âm; người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Như vậy, việc bản ghi âm lén có phải là chứng trong vụ án hình sự hay không là do Tòa án quyết định.
3. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về vấn đề bị ghi âm lén có được coi là chứng cứ không?
Nếu có bất cứ thắc mắc về vấn đề bị ghi âm lén có được coi là chứng cứ không hoặc cần tham vấn về các vấn đề khác thì hãy liên hệ ngay với công ty Luật Hồng Bàng để được tư vấn kịp thời.
Luật Hồng Bàng – Khởi tạo thành công luôn làm việc tận tâm và chu đáo, là đơn vị uy tín được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đồng hành.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!