Ngày 26/03/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, có hiệu lực cùng ngày, nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 (“Nghị định 31/2021”). Nghị định này đã cụ thể hoá quy định của Luật Đầu tư 2020 về nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường Việt Nam như nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp đầu tư vào các ngành, nghề có hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các ngành, nghề đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có thể được phân thành 03 nhóm tuỳ theo điều kiện tiếp cận thị trường Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài như sau:
1. Nhóm 1: Ngành nghề thuộc danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo Khoản 2 Điều 17 Mục A Phụ lục I của Nghị định 31/2021, nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào 25 ngành, nghề, bao gồm một số ngành nghề như:
- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại;
- Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức;
- Đánh bắt, khai thác hải sản;
- Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận);
- Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa;
- Kinh doanh tạm nhập tái xuất;
- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối một số hàng hoá trong danh mục hàng hoá nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối;
- Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành, trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam;
- Và một số ngành, nghề khác.
2. Nhóm 2: Ngành nghề thuộc danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo Nghị định 31/2021, có 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, được liệt kê tại Mục B Phụ lục I. Để có thể đầu tư vào các ngành, nghề này tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư (khoản 3 Điều 17 Nghị định). Có thể kể đến một số ngành, nghề như:
- Sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa;
- Dịch vụ phát thanh và truyền hình;
- Bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan;
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
- Dịch vụ quảng cáo;
- Dịch vụ giáo dục;
- Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường sông, đường biển, đường ống;
- Kinh doanh bất động sản;
- Dịch vụ pháp lý;
- Dịch vụ du lịch;
- Dịch vụ sức khỏe và dịch vụ xã hội;
- Dịch vụ thể thao và giải trí;
- Dịch vụ kiểm toán, kế toán, sổ sách kế toán và thuế;
- Dịch vụ thẩm định giá;
- Hoạt động thương mại điện tử;
- Và một số ngành, nghề khác.
Nghị định 31/2021 cũng quy định trường hợp pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về đầu tư quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa được cập nhật tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và chưa được đăng tải thông tin theo quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Nhóm 3: Các ngành, nghề còn lại
Đối với các ngành, nghề không thuộc các danh mục của nhóm 1 và nhóm 2 nêu trên, theo Nghị định 31/2021, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó. Ngược lại, nếu pháp luật Việt Nam có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư vào Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện của pháp luật Việt Nam. Quy định này có thể được coi là tiến bộ và tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam so với quy định của Luật Đầu tư 2014, theo đó, Luật Đầu tư 2014 và văn bản hướng dẫn có quy định “Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định” (Điểm đ, Khoản 2, Điều 10, Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015).
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và sau đó pháp luật Việt Nam có các quy định mới về điều kiện tiếp cận thị trường, thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư theo các điều kiện trước đó. Nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện thêm các hình thức đầu tư khác, hoặc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, ngành, nghề của hình thức đầu tư đã được chấp thuận, mà theo quy định mới phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường, thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định mới được ban hành. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài đã được chấp thuận (Khoản 5 Điều 17 Nghị định 31/2021).
Trên đây là bài viết chi tiết về ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THEO NGHỊ ĐỊNH 31/2021/NĐ-CP của Luật Hồng Bàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.