Nhãn hiệu là tài sản trí tuệ của con người được pháp luật bảo hộ thông qua đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ. Trong quá trình hoạt động và tạo lập thương hiệu có thể vì một lý do nào đó chủ sở hữu nhãn hiệu muốn chuyển nhượng nhãn hiệu của mình cho người khác. Việc này đòi hỏi cá nhân, tổ chức cần nắm được quy trình các bước thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu. Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ giải đáp cho Quý Khách hàng những thắc mắc về thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu năm 2023.
1. Chuyển nhượng nhãn hiệu là gì?
Chuyển nhượng nhãn hiệu là thủ tục hành chính được thực hiện tại Cục sở hữu trí tuệ để chuyển giao quyền sở hữu đối với nhãn hiệu từ chủ sở hữu cũ sang chủ sở hữu mới.
Lưu ý: Mặc dù chuyển nhượng nhãn hiệu thể hiện ý chí của hai bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu vẫn chịu sự quản lý của nhà nước thông qua việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Điều kiện chuyển nhượng nhãn hiệu
Để có thể chuyển nhượng nhãn hiệu, hai bên nhận và chuyển cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
– Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng nhãn hiệu và quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
– Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc, tên thương mại hoặc các nhãn hiệu liên kết của Công ty đối với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
– Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
– Ngoài ra, một điều rất quan trọng đó là hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Như vậy, việc chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ được thực hiện qua hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu. Những vấn đề liên quan tới hợp đồng chuyển nhượng sẽ được đề cập ở phần tiếp theo của bài viết thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu.
3. Nội dung hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên mà trong đó chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho bên nhận chuyển nhượng.
Thời điểm hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, bên nhận chuyển nhượng sẽ chính thức trở thành chủ sở hữu của nhãn hiệu đó.
Nội dung chính của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng
– Số văn bằng nhãn hiệu chuyển nhượng
– Căn cứ chuyển nhượng
– Giá chuyển nhượng
– Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng
Ngoài những nội dung cơ bản được đề cập trên đây, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác nhưng không trái với quy định của pháp luật.
4. Hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu là đối tượng của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong điều 148 Luật sở hữu trí tuệ.
Điều 148. Hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
1. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
Theo quy định trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu) chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
5. Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu
Để thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục phải chuẩn bị hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu gồm những tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu (theo mẫu);
– Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu;
– Bản gốc văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu nhãn hiệu thuộc sở hữu chung;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí;
– Giấy ủy quyền nộp hồ sơ (nếu có)
6. Thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu
Quy trình chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Hai bên xác lập hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Hai bên nhận và chuyển sẽ thỏa thuận về việc ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu trước khi soạn thảo và ký kết hợp đồng
Bước 2: Nộp hồ sơ chuyển nhượng tại Cục Sở hữu trí tuệ
Bên chuyển nhượng nộp một bộ hồ sơ theo các đầu mục được liệt kê như trên, đăng ký hợp đồng chuyển nhượng tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng tại Cục SHTT
Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ:
– Ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức.
– Tiến hành ghi nhận và văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới, ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu và Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
– Cuối cùng là công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.
Trường hợp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu còn thiếu sót Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau đây:
– Ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng; và:
– Ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc có sửa chữa thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu mới
Cục sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận thông tin chủ sở hữu mới trên giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho chủ sở hữu mới
Trên đây là bài viết chi tiết về Thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu năm 2023 của Luật Hồng Bàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.