Lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký sáng chế

1. Thành phần hồ sơ đăng ký sáng chế

(i) Tờ khai đăng ký (02 bản);
(ii) Bản mô tả sáng chế (02 bản); Bản tóm tắt sáng chế (02 bản);
(iii) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ);
(iv) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
(v) Tài liệu xác nhận quyền đăng ký, nếu người nộp đơn
thụ hưởng quyền đăng ký của người khác (chứng nhận thừa kế; chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả chuyển giao đơn đã nộp; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động…);
(vi) Tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên: Bản sao đơn (các đơn) đăng ký sáng chế đầu tiên; Phần xác nhận của cơ quan nhận đơn đối với bản sao đơn (các đơn) đầu tiên; danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đơn đăng ký sáng chế đầu tiên; giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên, nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
(vii) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

2. Yêu cầu đối với tài liệu đơn

Các tài liệu (i), (ii) (trừ Bản tóm tắt sáng chế) và (iii) là tài liệu tối thiểu để đơn được tiếp nhận; Các tài liệu khác có thể nộp muộn hơn theo quy định về bổ sung tài liệu đơn.
Tài liệu đơn phải làm bằng tiếng Việt. Các tài liệu từ (iv) đến (vii) có thể được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt, nhưng phải dịch ra tiếng Việt, trừ bản sao đơn đầu tiên và tài liệu (vii) nếu Cục Sở hữu trí tuệ không yêu cầu.
Các tài liệu phải làm theo mẫu nếu có quy định. Các mẫu Tờ khai do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp trên trang tin điện tử http://www.noip.gov.vn. Doanh nghiệp cần điền đầy đủ thông tin vào các ô trong Tờ khai.

3. Yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế

Bản mô tả sáng chế phải bao gồm Phần mô tả sáng chế và Phạm vi bảo hộ sáng chế, có thể bao gồm bản vẽ nếu cần minh họa sáng chế.

a. Phần mô tả sáng chế:

– Phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật:
– Phải có đầy đủ thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó;
– Phải làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế), làm rõ tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích). Các yêu cầu nội dung cần phải có của phần mô tả sáng chế gồm:
+ Tên sáng chế: thể hiện vắn tắt giải pháp kỹ thuật bằng từ ngữ ngắn gọn, chính xác và không được mang tính khuếch trương, quảng cáo;
+ Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập: lĩnh vực trong đó giải pháp kỹ thuật được sử dụng hoặc liên quan;
+ Tình trạng kỹ thuật của sáng chế:nêu rõ tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực kỹ thuật được đề cập tại thời điểm nộp đơn (các giải pháp kỹ thuật tương tự đã biết (nếu có); hoặc ghi rõ không có thông tin về tình trạng kỹ thuật của sáng chế; chỉ ra các vấn đề còn tồn tại cần giải quyết.
+ Bản chất kỹ thuật của sáng chế:
(1) Nêu mục đích mà sáng chế cần đạt được hoặc vấn đề mà sáng chế cần giải quyết;
(2) Mô tả đầy đủ các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản. Dấu hiệu kỹ thuật cơ bản là tất cả các dấu hiệu kỹ thuật có ảnh hưởng đến bản chất của giải pháp kỹ thuật, tức là dấu hiệu mà nếu thiếu chúng sẽ không đủ để tạo thành giải pháp kỹ thuật và không đạt được mục đích đề ra.
+ Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);
+ Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế: Mô tả chi tiết sao cho người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế; Mô tả dựa vào các hình vẽ kèm theo dùng các chỉ số dẫn để biểu thị các thành phần
+ Ví dụ thực hiện sáng chế (nếu có): Nêu một hoặc một số ví dụ thực hiện sáng chế cụ thể; chỉ ra trị số cụ thể của dấu hiệu định lượng, trạng thái xác định của dấu hiệu định tính; các kết quả cụ thể liên quan đến chức năng, mục đích mà giải pháp cho phép đạt được;
+ Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được bởi sáng chế: ví dụ nâng cao năng suất, chất lượng, độ chính xác hay hiệu quả; tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, nguyên liệu; đơn giản hóa hay tạo ra sự thuận tiện khi xử lý, vận hành, quản lý hay sử dụng; khắc phục sự ô nhiễm của môi trường…và chỉ rõ những điều kiện và các phương pháp thực nghiệm cần thiết trong trường hợp lợi ích viện dẫn đến dữ liệu thực nghiệm.

b. Phạm vi bảo hộ sáng chế (hay gọi là “Phạm vi bảo hộ” hoặc “Yêu cầu bảo hộ”)

– Phạm vi (Yêu cầu) bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của giải pháp kỹ thuật
– Phạm vi (Yêu cầu) bảo hộ phải được phần mô tả minh họa một cách đầy đủ, bao gồm các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt đối tượng yêu cầu bảo hộ với đối tượng đã biết;

– Các dấu hiệu kỹ thuật trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải rõ ràng, chính xác và được chấp nhận trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng; các thuật ngữ được sử dụng trong Yêu cầu bảo hộ phải rõ ràng và thống nhất với các thuật ngữ được sử dụng
trong phần mô tả;
– Phạm vi (Yêu cầu) bảo hộ không được viện dẫn đến phần mô tả và hình vẽ, trừ những phần không thể mô tả chính xác bằng lời, như trình tự nucleotit và trình tự axit amin, nhiễu xạ đồ, giản đồ trạng thái…;
– Nếu có hình vẽ minh họa phạm vi (yêu cầu) bảo hộ thì dấu hiệu nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ có thể kèm theo các số chỉ dẫn đặt trong ngoặc đơn;
– Các dấu hiệu cấu thành giải pháp kỹ thuật trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nên được thể hiện thành hai phần: “Phần giới hạn”, bao gồm tên giải pháp kỹ thuật và những dấu hiệu trùng với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật đã biết gần nhất; và “Phần khác biệt”, bao gồm các dấu hiệu khác biệt với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật đã biết gần nhất; hai phần nối với nhau bằng cụm từ “khác biệt ở chỗ” hoặc “đặc trưng ở chỗ” …
– Phạm vi (Yêu cầu) bảo hộ có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm. Đối với mỗi giải pháp kỹ thuật, phạm vi (yêu cầu) bảo hộ luôn có một điểm (gọi là điểm độc lập) và có thể có điểm (các điểm) tiếp theo dùng để cụ thể hoá điểm độc lập (gọi là điểm phụ thuộc);
– Phạm vi (Yêu cầu) bảo hộ đối với một nhóm giải pháp kỹ thuật: Mỗi điểm độc lập thể hiện một giải pháp kỹ thuật riêng biệt, không được viện dẫn đến các điểm khác của phạm vi (Yêu cầu) bảo hộ, trừ trường hợp việc viện dẫn đó cho phép tránh
được việc lặp lại hoàn toàn nội dung của điểm khác; các điểm phụ thuộc phải được thể hiện ngay sau điểm độc lập mà chúng phụ thuộc; Mỗi điểm yêu cầu bảo hộ chỉ được đề cập đến một đối tượng yêu cầu bảo hộ và phải được thể hiện bằng một câu duy nhất;
– Các điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được đánh số liên tiếp bằng chữ số Ả-rập, kết thúc bằng dấu chấm.

4. Yêu cầu đối với bản tóm tắt sáng chế

Bản tóm tắt sáng chế mô tả vắn tắt (không nên quá 150 từ) giải pháp kỹ thuật, phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của giải pháp kỹ thuật và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Bản tóm tắt có thể có hình vẽ, công thức đặc trưng, phải được trình bày rõ ràng trong một nửa trang A4.

Trên đây là bài viết chi tiết về Lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký sáng chế của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng! 

Công ty Luật Hồng Bàng./.