Có được nhận lương hưu khi công ty còn nợ bảo hiểm xã hội?

Trải qua đại dịch Covid-19, từ năm 2021, nhiều công ty đã lâm vào cảnh phá sản, nợ lương nhân viên. Điều này dẫn đến thực trạng người lao động mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng công ty còn đang nợ lương và nợ BHXH, BHYT, do đó họ không thể thực hiện thủ tục nghỉ hưu tại cơ quan bảo hiểm xã hội. Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ giải đáp vấn đề hưởng lương hưu hay bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh trong trường hợp này.

Theo điểm a khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của luật này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được hưởng lương hưu khi đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định pháp luật và làm việc trên 20 năm song công ty gặp khó khăn nên đang nợ lương, nợ tiền đóng BHXH và BHYT thì người lao động đó chưa đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Căn cứ quy định trên, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH có thể yêu cầu công ty đóng đủ các khoản để cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết kịp thời các quyền lợi cho mình. Nếu công ty không đóng, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi chính đáng về BHXH.

Căn cứ khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH đã quy định: trong trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng BHXX mà bị nợ tiền đóng HBXX, BHTN… thì đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng đủ bao gồm cả tiền lãi chậm trả. Trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ thì khi bạn nghỉ việc sẽ được xác nhận thời gian đóng BHXH tại thời điểm đã đóng. Số tiền BHXH còn nợ sau khi thu hồi được số tiền người sử dụng lao động nợ sẽ bổ sung vào sổ BHXH của người lao động.

Căn cứ khoản 73 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH sửa đổi bổ sung Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định: “Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 17 chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.”

Theo đó, người sử dụng lao động có thể nợ tiền BHYT đến 30 ngày. Đồng thời, căn cứ khoản 9 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định: “Giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế quy định tại điều này tương ứng số tiền đóng bảo hiểm y tế theo quy định, trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi.”

Do đó, nếu doanh nghiệp nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng. Khi đó, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám chữa bệnh. Người sử dụng lao động sẽ phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế (theo điểm b khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014).

Trên đây là bài viết chi tiết về vấn đề Có được nhận lương hưu nếu công ty đang nợ BHXH? của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng! 

Công ty Luật Hồng Bàng./.