Trong quá trình thực hiện tư vấn thủ tục xin Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (MMDS), khách hàng thường có nhiều khó khăn vướng mắc bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ hướng dẫn cách xử lý trong một vài tình huống cụ thể để khách hàng có thể thực hiện việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ này một cách hiệu quả nhất.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật An toàn thông tin mạng năm 2015
- Nghị định 58/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 53/2018/NĐ-CP, trong đó có quy định 02 danh mục sản phẩm và 01 danh mục dịch vụ mật mã dân sự:
+ Phụ lục I – Mục I: Danh mục sản phẩm mật mã dân sự
+ Phụ lục I – Mục II: Danh mục dịch vụ mật mã dân sự
+ Phụ lục II: Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép
2. Các trường hợp thường gặp về giấy phép MMDS
Trường hợp 1: Doanh nghiệp mua sản phẩm MMDS thông qua công ty khác trong nước để phân phối, kinh doanh, không nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Vậy doanh nghiệp có cần xin giấy phép kinh doanh sản phẩm MMDS không?
Luật Hồng Bàng trả lời như sau: Nếu doanh nghiệp không trực tiếp nhập khẩu sản phẩm mà mua từ một nhà nhập khẩu khác và các sản phẩm được mua thuộc Phụ lục I – Mục I tại Nghị định nêu trên thì doanh nghiệp vẫn phải có GPKD MMDS.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm MMDS để lắp đặt cho hệ thống mạng phục vụ hoạt động trong nội bộ công ty (để tự sử dụng), không nhằm mục đích kinh doanh thì có cần xin GPKD và GPNK sản phẩm MMDS không?
Luật Hồng Bàng trả lời như sau: Nếu doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm MMDS có tại Phụ lục II của Nghị định thì buộc phải có giấy phép nhập khẩu. Nhưng một trong những điều kiện bắt buộc để được cấp GPNK là doanh nghiệp phải có GPKD sản phẩm MMDS.
Do đó, nếu sản phẩm doanh nghiệp nhập khẩu chỉ thuộc Phụ lục I Nghị định 58/2016 thì doanh nghiệp không phải xin GPKD và GPNK. Nếu sản phẩm thuộc Phụ lục II (danh mục phải xin GPNK mới được nhập) thì doanh nghiệp phải xin GPKD sản phẩm MMDS mới đủ điều kiện để được cấp GPNK sản phẩm MMDS.
Trường hợp 3: Văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam muốn nhập khẩu, nhận hàng hóa là sản phẩm MMDS từ công ty mẹ gửi về để thiết lập hệ thống mạng nội bộ LAN, tự sử dụng trong nội bộ công ty, không nhằm mục đích kinh doanh thì có cần xin GPKD và GPNK không?
Luật Hồng Bàng trả lời như sau: Pháp luật Việt Nam hiện nay không công nhận Văn phòng đại diện của Công ty nước ngoài là một thực thể có chức năng kinh doanh nên đây không phải là đối tượng được cấp các GPKD, từ đó cũng không đủ điều kiện để xin GPNK.
Hướng giải quyết:
- Nếu sản phẩm MMDS nhập khẩu là loại đặc thù không có sẵn ở thị trường Việt Nam, hoặc sản phẩm là các thiết bị MMDS đã cài sẵn các phần mềm nội bộ thì Văn phòng nên nhập khẩu thông qua phương thức ủy thác nhập khẩu cho một công ty đủ điều kiện và đã được cấp giấy phép theo đúng quy định; hoặc đặt mua hàng từ các nhà phân phối Việt Nam đã có GPKD sản phẩm đó.
- Nếu sản phẩm MMDS nhập khẩu là loại có sẵn ở thị trường Việt Nam và không có yêu cầu đặc biệt về các phần mềm quản trị nội bộ thì nên liên hệ các nhà phân phối Việt Nam (đã có GPKD sản phẩm được liệt kê trên phụ lục) để mua sản phẩm
Trường hợp 4: Có không ít sản phẩm là thiết bị có cả chức năng MMDS và chức năng an toàn thông tin mạng. Vậy doanh nghiệp khi muốn nhập khẩu sản phẩm này có cần xin cả GPKD, GPNK sản phẩm MMDS (do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp) và GPKD, nhập khẩu sản phẩm An toàn thông tin mạng (do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp) hay không?
Luật Hồng Bàng trả lời như sau: Không thể xin đồng thời hai loại giấy phép trên đối với một sản phẩm, vì:
- Điểm c khoản 6 Điều 38 của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định: sản phẩm MMDS không thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông.
- Khoản 1 Điều 42 Luật An toàn thông tin mạng 2015: sản phẩm MMDS không nằm trong phạm vi cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
Do đó doanh nghiệp đã được cấp GPKD, GPNK sản phẩm MMDS thì không phải xin giấy phép về an toàn thông tin mạng nữa.
Trường hợp 5: Giám đốc công ty là người nước ngoài có sử dụng tài khoản cá nhân của ngân hàng nước ngoài. Phía bên ngân hàng có gửi về Việt Nam cho Giám đốc thiết bị tạo mã OTP (bank token) để xác thực thanh toán cho tài khoản cá nhân. Có thể xin cấp Giấy phép MMDS để nhập khẩu cho Giám đốc được không?
Luật Hồng Bàng trả lời như sau: Căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành thì cá nhân không phải là đối tượng được cấp giấy phép kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, do vậy trong trường hợp bank token được gửi dưới tên cá nhân sẽ không thông quan một cách hợp pháp được.
Hướng giải quyết:
Phương án 1: Mang theo bank token này như hành lý tùy thân về Việt Nam (xách tay).
Phương án 2: Chuyển người nhập khẩu thành tổ chức (nhập khẩu dưới tên công ty) và xin giấy phép kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm dưới tên công ty.
Phương án 3: Thuê một công ty dịch vụ chuyên nghiệp đứng ra nhận ủy thác nhập khẩu để nhập khẩu sản phẩm theo quy định pháp luật.
Trên đây là bài viết chi tiết về Các trường hợp thực tế thường gặp khi đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và Giấy phép nhập khẩu của Luật Hồng Bàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.