Thủ tục xin cấp giấy phép môi trường

Giấy phép môi trường là một loại giấy tờ pháp lý mà trong các trường hợp cụ thể, các tổ chức, doanh nghiệp bắt buộc phải có. Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp với Quý Khách hàng thông tin chi tiết về thủ tục cấp giấy phép môi trường theo pháp luật hiện hành.

1. Giấy phép môi trường là gì?

Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành cho phép chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh vận hành toàn bộ hoặc một phần công trình dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các yêu cầu, điều kiện bảo vệ môi trường cụ thể khi chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định.

2. Các loại giấy phép môi trường

a. Căn cứ vào loại tài nguyên

– Đối với tài nguyên nước, giấy phép tài nguyên nước bao gồm: Giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (Luật tài nguyên nước 2012)

– Đối với thủy sản có thể kể đến giấy phép khai thác thủy sản trên biển, giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam (Luật thủy sản 2017)

– Đối với khoáng sản: Giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng san, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản (Luật khoáng sản 2010)

b. Căn cứ theo lĩnh vực hoạt động

– Trong lĩnh vực giao thông vận tải: Giấy phép vận chuyển

– Trong lĩnh vực xử lý chất thải: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

– Trong lĩnh vực xây dựng: Giấy phép xây dựng

3. Nội dung giấy phép môi trường

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về nội dung giấy phép môi trường như sau:

– Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).

– Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:

+ Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;

+ Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;

+ Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;

+ Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;

+ Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

4. Các đối tượng phải có giấy phép môi trường

Căn cứ Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020:

Đối tượng 1: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

Các đối tượng trên mà thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

Đối tượng 2: Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng 1.

5. Thời hạn của giấy phép môi trường

Căn cứ Khoản 4 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:

– 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;

– 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;

– 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020;

– Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).

6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường

– Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường;

– Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;

– Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

7. Trình tự, thủ tục xin giấy phép môi trường

Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, đối tượng tác động của dự án, chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án phải xin giấy phép bảo vệ môi trường khác nhau. Theo đó, thủ tục làm giấy phép môi trường cũng khác nhau. Tuy vậy, thủ tục xin giấy phép môi trường có thể được thực hiện thông qua các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có thể là:

– Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

– Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận

– Sở Xây dựng

– Sở Giao thông vận tải

– Chi cục thủy sản các tỉnh, thành phố…

Bước 2: Tiếp nhận và xem xét hồ sơ

Trong thời hạn pháp luật quy định, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

Bước 3: Thẩm định

Trong thời hạn pháp luật quy định, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;

Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo.

Trường hợp không thể bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

Bước 4: Trả kết quả

Trong thời hạn pháp luật quy định, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.

Trên đây là bài viết chi tiết về vấn đề Thủ tục xin cấp giấy phép môi trường của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng! 

Công ty Luật Hồng Bàng./.