Thu hồi tiền mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát hợp pháp

Tin tức về bà Trương Mỹ Lan – chủ tịch công ty Vạn Thịnh Phát trong vụ lùm xùm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng của người dân thông qua việc phát hành trái phiếu trái pháp luật không khó bắt gặp trên các trang phương tiện truyền thông. Qua sự việc đầy chấn động này, có thể thấy rằng: Việc phát hành trái phiếu ồ ạt trái pháp luật cùng sự quản lý còn lỏng lẻo của pháp luật sẽ gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nói chung và nạn nhân của việc trên nói riêng khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Luật Hồng Bàng xin làm rõ một vài vấn đề liên quan đến trái phiếu trong bài viết chi tiết dưới đây.

1. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định:

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành, có kỳ hạn trả nợ một năm trở lên để xác nhận nợ với người nắm giữ nó. Nhà đầu tư ở vai trò chủ nợ, cho doanh nghiệp vay một số vốn đúng bằng số tiền bỏ ra mua trái phiếu. Doanh nghiệp có trách nhiệm trả lãi định kỳ cho nhà đầu tư theo thỏa thuận và hoàn toàn bộ số vốn khi đến ngày đáo hạn.

2. Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật, những doanh nghiệp được phép phát hành trái phiếu bao gồm: công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc những giấy tờ tương tự tại cơ quan tổ chức có thẩm quyền tại Việt Nam.

Để phát hành trái phiếu các doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện được cụ thể tại khoản 3 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 như sau:

“Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng bao gồm:

a. Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b. Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;

c. Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán hoặc được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;

d. Có căm kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;

đ. Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;

e. Đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

g. Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng.

h. Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;

i. Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.”

Như vậy, để doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện và thuộc trường hợp được phát hành trái phiếu theo luật định.

3. Các vấn đề liên quan đến trái phiếu của Vạn Thịnh Phát

Trong khoảng thời gian từ năm 2018 – 2019, các bị can, cá nhân tại các công ty liên quan của An Thịnh Phát đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân. Các bị can, cá nhân trong vụ án trên hiện sở hữu hoặc ủy quyền cho người thân sở hữu nhiều tài sản là bất động sản, tài sản trên đất tại các tỉnh và thành phố. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trưỡng Mỹ Lan và 3 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân.

4. Thu hồi tiền mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát hợp pháp

Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật chứng khoán 2019, tổ chức phát hành phải thực hiện công việc sau:

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán trái phiếu ra công chúng bị hủy bỏ, công bố việc hủy bỏ chào bán trái phiếu ra công chúng theo phương thức quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Chứng khoán 2019 và thu hồi trái phiếu đã phát hành;

– Hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

Trong trường hợp công ty Vạn Thịnh Phát hủy bỏ bán trái phiếu thì nhà đầu tư sẽ được tổ chức phát hành trái phiếu hoàn trả tiền trong thời hạn 15 ngày. Nếu quá thời hạn thì nhà đầu tư sẽ được bồi thường thiệt hại theo các điều khoản đã cam kết.

Như vậy, các cá nhân, tổ chức (hay còn gọi là trái chủ) là nạn nhân của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ công ty Vạn Thịnh Phát có quyền yêu cầu trong đơn tố cáo hoặc trong quá trình tố tụng hình sự để có thể được bồi thường lại tài sản do hành vi lừa đảo chiểm đoạt tài sản của người khác đã gây ra theo quy định tại khoản 1 Điều 9 và khoản 2 Điều 10 của Luật tố cáo 2018.

Ngoài ra, ban lãnh đạo của Vạn Thịnh Phát bị bắt tạm giam, nhà đầu tư có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản công ty Vạn Thịnh Phát căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ áp dụng khi nhà đầu tư không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm một phần. Sau khi được tòa án chấp nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, tài sản của doanh nghiệp sẽ được phân chia theo thứ tự quy định tại khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 54 Luật phá sản 2014. Theo đó, nếu như tài sản của Vạn Thịnh Phát vẫn còn để trả nợ thì khả năng trái chủ vẫn mất từ 10- 50% số tiền đã mua trái phiếu.

Trường hợp Vạn Thịnh Phát không tuyên bố phá sản, đến kỳ hạn thanh toán trái phiếu mà doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán, trái chủ có thể chọn phương án thỏa thuận hoặc nộp đơn kiện yêu cầu tuyên bố phá sản ra tòa án. Khi đó mọi trình tự sẽ theo quyết định của tòa và tuyên bố công ty phá sản thì cũng sẽ theo thủ tục luật định.

Tóm lại, có 2 cách thu hồi tiền mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát là: trái chủ nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản công ty ra tòa án và yêu cầu trong đơn tố cáo hoặc trong tố tụng hình sự.

Trên đây là bài viết chi tiết về vấn đề Cách thu hồi tiền mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát hợp pháp của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng! 

Công ty Luật Hồng Bàng./.