Quy định pháp luật về lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Ngày 01/8/2022, Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmmar nếu sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan. Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được ban hành trên cơ sở kết luận điều tra: Việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất, xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của các doanh nghiệp từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmmar là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan.

Vậy, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là gì? Bài viết dưới đây Luật Hồng Bàng sẽ giải thích và trình bày các quy định cụ thể về vấn đề này nhằm giúp Quý Khách hàng hiểu rõ hơn trước khi tham gia đầu tư.

1. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là gì?

Điều 72 Luật quản lý ngoại thương quy định: Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.

Trong vụ việc trên, trước thời điểm 1/8/2022, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Theo kết luận điều tra, xác định được một số sản phẩm mía đường Thái Lan tồn tại hành vi bán phá giá ở mức 47,64%, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra; ngành sản xuất trong nước chịu thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng có thể được mở rộng trong trường hợp Cơ quan điều tra xác định có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại căn cứ vào yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước hoặc các thông tin mà Cơ quan điều tra có được.

Căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa, cấu phần hàng hóa nhập khẩu từ các nước liên quan bị điều tra.

2. Hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 74 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, Hàng hóa mô tả tại khoản 1 Điều 73 của Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam từ nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư nhập khẩu từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được bán với giá thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

– Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích chủ yếu để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

– Hoạt động sản xuất, lắp ráp gia tăng đáng kể tại Việt Nam ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra;

– Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất, lắp ráp hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam.

Trong trường hợp giá trị giá tăng trong quá trình sản xuất, lắp ráp hàng hóa lớn hơn 25% tổng chi phí sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, việc nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư không bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra có thể xem xét tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng chi phí sản xuất khác phù hợp với đặc điểm của ngành sản xuất đó.

3. Hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba

Theo quy định tại Điều 76 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, Hàng hóa được mô tả tại khoản 2 Điều 73 của Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Giá xuất khẩu của hàng hóa từ nước thứ ba vào Việt Nam thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;

– Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng bán hàng của nhà sản xuất, xuất khẩu;

– Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt đầu và gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra;

– Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại xuất khẩu vào Việt Nam.

Có thể thấy, trong vụ việc nêu trên, nhà sản xuất mía đường tại Thái Lan đã có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất đường tại các nước thứ ba, cụ thể là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmmar.

Việc áp thuế với mía đường Thái Lan được kỳ vọng là cơ hội vực dậy ngành mía đường

4. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Theo quy định tại Điều 77 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định này được xem là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định này gia tăng đáng kể so với khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vào Việt Nam của nhà sản xuất, xuất khẩu;

– Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định này gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra.

Theo quy định tại Điều 78 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, sự khác biệt không đáng kể được xác định khi giữa hàng hóa nhập khẩu hầu như không có sự khác biệt với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại về đặc điểm, mục đích sử dụng, kênh phân phối và chi phí.

Trên đây là bài viết chi tiết về Quy định pháp luật về lẩn tránh phòng vệ thương mại của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng! 

Công ty Luật Hồng Bàng./.