Nhãn hiệu chủ yếu dùng để gắn lên các loại hàng hóa và các loại dịch vụ để chỉ ra chúng do ai sản xuất hay cung cấp. Việc phân loại nhãn hiệu có ý nghĩa lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Phân loại nhãn hiệu cho phép xác định đặc trưng của một loại nhãn hiệu và ảnh hưởng tới việc xác định chế độ pháp lý đối với từng loại nhãn hiệu. Sau đây Luật Hồng Bàng chúng tôi xin trình bày về 4 loại nhãn hiệu theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
1. NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Theo Khoản 17 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
17. Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”
Chủ nhãn hiệu tập thể còn có nghĩa vụ kiểm soát sự tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu của các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể tương ứng. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm cá nội dung như: Chủ sở hữu nhãn hiệu, các điều kiện sử dụng nhãn hiêu, các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức là chủ nhãn hiệu tập thể, chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm các quy định của quy chế, danh sách các cá nhân tổ chức được phép sử dụng nhãn hiệu, các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Đặc trưng của nhãn hiệu tập thể là nhiều chủ thể đều có quyền sử dụng nó nhưng cũng cần lưu ý là khi một tập thể sử dụng nhãn hiệu nhân danh tập thể thì nhãn hiệu này không được coi là nhãn hiệu tập thể mà chỉ là nhãn hiệu bình thường vì nhãn hiệu đó chỉ do một chủ thể sử dụng.
2. NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Theo Khoản 18 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
18. Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.’’
Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu trong quá trình chứng nhận hàng hóa, dịch vụ đủ tiêu chuẩn mang nhãn hiệu và có nghĩa vụ kiểm soát sự tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tương ứng. Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bao gồm những nội dung sau: Chủ sở hữu nhãn hiệu, điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu, các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu; phương pháp đánh giá các đặc tính này và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu; chi phí (nếu có) mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 được công nhận trên toàn thế giới là ví dụ cho loại nhãn hiệu này hay nhãn hiệu ISO 9002 ở Việt Nam cũng là nhãn hiệu chứng nhận.
3. NHÃN HIỆU LIÊN KẾT
Theo Khoản 19 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
19. Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.’’
Nhãn hiệu liên kết tạo nên sự yên tâm cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ mới, bởi họ biết được về nguồn gốc xuất sứ hay mối liên kết với sản phẩm hay dịch vụ mà họ đã dùng trước đây.
Ví dụ, các nhãn hiệu như Pepsi Mirinda hay Pepsi 7 up được dùng cho loại đồ uống nước cam ép hay nước chanh có ga.
4. NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG
Theo khoản 20 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
20. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.’’
Bên cạnh các nhãn hiệu đã được cập nhật ở trên thì còn một loại nhãn hiệu luôn thu hút được sự quan tâm của hầu hết mọi người từ các chủ thể kinh doanh đến người tiêu dùng, đó chính là nhãn hiệu nổi tiếng. Thuật ngữ “nhãn hiệu nổi tiếng” đã được đề cập trong công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và tiếp tục được ghi nhận sửa đổi nhằm hoàn thiện hơn trong hiệp định Trips. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quy định nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập thông qua thủ tục công nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứ không phải thông qua việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu như các loại nhãn hiệu thông thường khác.
Các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, cụ thể như sau:
+ Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
+ Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
+ Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
+ Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
+ Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
+ Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
+ Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
+ Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Có thể nhận thấy nhãn hiệu nổi tiếng khác với nhãn hiệu thông thường ở danh tiếng của nhãn hiệu đó trong bộ phận công chúng có liên quan, thông qua các hoạt động quảng cáo của nhãn hiệu, thông qua số liệu và doanh số hàng hóa được bán ra hay dịch vụ được cung cấp… Nhãn hiệu nổi tiếng được áp dụng cho cả nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ. Quy định về các trường hợp cụ thể để bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay trong việc sử dụng các dấu hiệu có ảnh hưởng đến nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể:
+ Chủ nhãn hiệu nổi tiếng có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình trong hai trường hợp sau: sử dụng nhãn hiệu đó cho các hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự, sử dụng cho các hàng hóa, dịch vụ không tương tự nhưng gây ra các hậu quả như: có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ; có khả năng làm giảm danh tiếng, uy tín, khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng;
+ Chủ nhãn hiệu nổi tiếng có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống lại hành vi như: sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; sử dụng dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu đó cho hàng hóa dịch vụ không cùng loại, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nếu việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ thể có nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG