Quy định pháp luật về Điều kiện bảo hộ đối với tên thương mại

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Tên thương mại có thể tự động được bảo hộ (nếu đáp ứng được các điều kiện đã quy định) mà không cần làm thủ tục đăng ký. Vậy tên thương mại là gì và điều kiện để tên thương mại được bảo hộ được pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định như thế nào? Sau đây, Luật Hồng Bàng xin trình bày về điều kiện bảo hộ tên thương mại như sau:

1. TÊN THƯƠNG MẠI LÀ GÌ?

Theo Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.’’

Như vây, chức năng chính của tên thương mại là nhằm phân biệt, cá thể hóa chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Sự phân biệt này cần thiết được đặt ra khi trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, trong cùng một khu vực kinh doanh luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các chủ thể kinh doanh. Khu vực kinh doanh có thể nằm trong phạm vi hoặc vượt ra ngoài lãnh thổ Quốc gia. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh đến đâu như chiến lược mở rộng tiếp thị, quảng cáo, mở các chi nhánh hay các văn phòng đại diện hoặc sáp nhập giữa các chủ thể kinh doanh để trở thành tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh trên toàn thế giới. Xây dựng tên thương mại riêng cho mình gắn với các loại hàng hóa, dịch vụ mà chính cơ sở kinh doanh của mình cũng cấp để khẳng dịnh vị thế trên con đường kinh doanh là một nhu cầu tất yếu của bất kỳ chủ thể kinh doanh nào.

2. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI TÊN THƯƠNG MẠI

Theo Điều 76 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

“Điều 76. Điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ

Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”

Tên thương mại phải có khả năng phân biệt các yêu tố chủ yếu như: phân biệt về hàng hóa, dịch vụ, hoạt động, cơ sở kinh doanh. Điều này cũng được hiểu là nếu tên thương mại của hai chủ thể kinh doanh trùng nhau hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn nhưng hai chủ thể kinh doanh đó lại hoạt động kinh doanh trong hai lĩnh vực khác nhau, thuộc hai lãnh thổ khác nhau thì vẫn được chấp nhận bảo hộ. Cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh là hai điều kiện song song đi đôi với nhau, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì tên thương mại sẽ không được bảo hộ. Chẳng hạn, hai tên thương mại trùng nhau nhưng hai chủ thể kinh doanh lại không hoạt động trên cùng một khu vực địa lý. Tuy rằng họ kinh doanh trong cùng một lĩnh vực hoặc hai chủ thể kinh doanh ở trên cùng một khu vực địa lý nhưng không kinh doanh trong cùng một lĩnh vực cũng không được pháp luật chấp nhận bảo hộ. Điều kiện bảo hộ này của tên thương mại cũng đơn giản hơn so với nhãn hiệu.

Theo Điều 78 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

“Điều 78. Khả năng phân biệt của tên thương mại

Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;

2. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.”

Tên thương mại và nhãn hiệu đều có chức năng chỉ dẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của cơ quan sản xuất kinh doanh, đều đưa ra một kết quả chung ai là người chịu trách nhiệm về những hàng hóa dịch vụ đó, bởi vậy, nếu đã có nhãn hiệu thuộc quyền của người khác đã được xác lập trước thời điểm tên thương mại được bắt đầu thì đương nhiên chủ thể kinh doanh sẽ không được sử dụng tên thương mại đó nữa.

Theo Điều 77 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

“Điều 77. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại

Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.”

Tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ dưới danh nghĩa tên thương mại. Bởi bản chất của tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân chỉ dùng trong hoạt động kinh doanh, còn tên gọi của tổ chức, cá nhân khác không có chức năng hoạt động kinh doanh thì sẽ không được gọi là tên thương mại.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG