Trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh của mình, nhà đầu tư sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và lợi ích của các nhà đầu tư hoặc các chủ thể khác trong xã hội. Vì vậy, sự đảm bảo của nhà nước tiếp nhận đầu tư đối với quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư không chỉ trong quá trình tiến hành hoạt động tạo lập tài sản và thực hiện hoạt động kinh doanh mà còn bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp cho nhà đầu tư khi có những xung đột lợi ích xảy ra. Tuy nhiên, những cam kết, đảm bảo của các quốc gia tiếp nhận đầu tư không phải là sự đảm bảo không có tranh chấp xảy ra trong quá trình đầu tư hoặc đảm bảo nhà đầu tư luôn là bên thắng nếu có tranh chấp xảy ra bởi đó là điều mà không một chủ thể nào có thể kiểm soát được. Ở đây, nhà nước chỉ có thể đảm bảo cung cấp cho nhà đầu tư những công cụ giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế, đề cao quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư đồng thời đảm bảo đủ tin cậy, an toàn đối với vấn đề thực thi các quyền quyết định về giải quyết tranh chấp trong quá trình đầu tư.
Theo Khoản 1 Điều 14 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật đầu tư 2020) quy định:
“Điều 14. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
1. Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”
Như vậy, nhà đầu tư có được lựa chọn khá phong phú với các hình thức giải quyết tranh chấp mang đặc trưng khác nhau, đáp ứng được các điều kiện và nhu cầu của mỗi nhà đầu tư trong các vụ tranh chấp khác nhau. Nếu cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng là cơ chế giải quyết chỉ có sự tham gia của các bên trong tranh chấp với tính bảo mật rất cao và thể hiện rõ sự thiện chí của các bên thì cơ chế giải quyết tranh chấp hóa giải, Trọng tài và Tòa án đều là cơ chế giải quyết tranh chấp có sự tham gia của một bên thứ ba. Tuy nhiên, vai trò của mỗi bên thứ ba trong ba cơ chế này lại hoàn toàn khác nhau và kết quả là mỗi cơ chế đã có những ưu điểm nhược điểm khác nhau. Điều này thực sự có nghĩa quan trọng trong việc cung cấp cho nhà đầu tư một cơ hội để họ lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả đối với mình. Mặc dù vậy, không nên hiểu một cách máy móc là các nhà đầu tư vào Việt Nam khi có tranh chấp xảy ra, bắt buộc phải giải quyết bằng con đường thương lượng và hòa giải, sau đó mới được lựa chọn một trong hai cơ quan tài phán còn lại khi các phương thức trước đó không đem lại hiệu quả. Trong tình huống này,sự lựa chọn của nhà đầu tư đối với bốn phương thức giải quyết trên đây là hoàn toàn tự do, không bị bó hẹp theo bất cứ một thứ tự có tính chất bắt buộc nào trừ trường hợp đối với cơ chế Trọng tài và Tòa án. Bởi lẽ theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại hiện hành, nêu các bên trong tranh chấp đã có thỏa thuận Trọng tài hợp pháp thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ việc để giải quyết nếu các bên lại quyết định lựa chọn Tòa án thay thế.
Khi lựa chọn một trong hai phương thức giải quyết tranh chấp mang tính tài phán hoặc Trọng tài hoặc Tòa án thì sự khác biệt về quốc tịch giữa các nhà đầu tư sẽ dẫn đến sự khác biệt nhất định về cơ chế giải quyết tranh chấp này. Cụ thể:
Theo Khoản 2 Điều 14 Luật đầu tư 2020 quy định:
“Điều 14. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
2. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”
Trường hợp thứ nhất: Nếu các bên trong tranh chấp đều là nhà đầu tư trong nước hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020) chỉ các nhà đầu tư sẽ được lựa chọn 1 trong 2 cơ chế: Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam.
Trường hợp thứ hai: Nếu các bên trong tranh chấp là nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư năm 2020) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì các nhà đầu tư sẽ được lựa chọn Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam
Trường hợp thứ ba:
Khoản 3 Điều 14 Luật đầu tư năm 2020 quy định:
“3. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Tòa án Việt Nam;
b) Trọng tài Việt Nam;
c) Trọng tài nước ngoài;
d) Trọng tài quốc tế;
đ) Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.”
Nếu mua bên trong tranh chấp là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020 và bên còn lại không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì các bên có thể lựa chọn một trong các cơ quan tài phán sau: Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam, Trọng tài hoặc Tòa nước ngoài, hoặc có thể là trọng tài do các bên trong tranh chấp thành lập.
Trường hợp thứ tư:
Khoản 4 Điều 14 Luật đầu tư năm 2020 quy định:
“4. Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.”
Nếu các bên trong tranh chấp là nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đầu tư của việt nam thì các bên có thể giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khắc trong hợp đồng hoặc theo quy định của điều ước quốc tế
Mặc dù theo quy định của pháp luật đầu tư hiện, sự khác biệt về các bên trong tranh chấp sẽ dẫn đến sự khác biệt về khả năng lựa chọn cơ chế tài phán để giải quyết tranh chấp của họ nhưng sự khác biệt này không phải nhằm phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư mang quốc tịch khác nhau mà là nhằm tạo ra những cơ hội lựa chọn một cách đa dạng phong phú phù hợp hơn với các nhà đầu tư khác. Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia nên tranh chấp giữa các nhà đầu tư mang quốc tịch Việt Nam với nhau hoặc giữa họ với những cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được giải quyết bởi Trọng tài Việt Nam hoặc Toà án Việt Nam như trong Luật đầu tư năm 2020 quy định là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, đối với các tranh chấp đầu tư có sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm từ 50% thì sẽ mở rộng cơ hội lựa chọn hơn bao gồm các cơ quan tài phán nước ngoài, Trọng tài quốc tế hoặc Trọng tài cho các bên thành lập là một trong quy định đảm bảo đối xử một cách công bằng bình đẳng và tôn trọng quyền tự chủ trong quá trình đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, ngay cả với những tranh chấp mà cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài là các bên trong tranh chấp thì nhà đầu tư nước ngoài cũng không bị bó buộc phải lựa chọn các cơ quan tài phán Việt Nam. Bên cạnh đó, họ có thể lựa chọn một cơ chế tài phán khác bằng cách thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành. Đây đều là quy định thực sự thể hiện sự thiện chí, tôn trọng của nhà nước tiếp nhận đầu tư đối với nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau. Có thể khẳng định bằng cách quy định của luật đầu tư nhà nước Việt Nam đã cam kết bảo đảm cho nhà đầu tư có một cơ chế giải quyết tranh chấp thực sự linh hoạt hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này đã góp phần không nhỏ vào quá trình bình ổn môi trường đầu tư từ đó tăng khả năng thu hút đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG