Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư, do cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh và thu hồi. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đáp ứng những điều kiện nhất định để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dưới đây là 5 điều kiện để nhà đầu tư có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Khoản 2 Điều 38 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật đầu tư 2020) quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận đầu tư gồm:

“Điều 38. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;

b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

c) Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này;

d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);

đ) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.”

1. DỰ ÁN KHÔNG THUỘC NGÀNH, NGHỀ CẤM ĐẦU TƯ.

Để có một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bảo đảm lợi ích của đất nước, của người dân, của tất cả các chủ thể tham gia, thì vai trò của pháp luật điều chỉnh là hết sức quan trọng. Pháp luật hiện hành cho phép các cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề và lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh: là những ngành, nghề không được đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ. Đầu tư kinh doanh các ngành nghề này sẽ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam và sức khỏe của nhân dân làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường.

Vậy để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì bản thân dự án đó phải không thuộc những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Điều 6 Luật đầu tư 2020.

2.  ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 11 Luật đầu tư 2020 quy định:

“Điều 11. Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh

g. Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Tuy nhiên, lựa chọn địa điểm thực hiện dự án đầu tư là một nội dung quan trọng mà các nhà đầu tư phải thực hiện, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài việc xem xét các khía cạnh về địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội, kỹ thuật… có liên quan đến sự hoạt động và hiệu quả hoạt động sau này thì Nhà đầu tư cần lựa chọn địa điểm phù hợp với các quy định của pháp luật

Căn cứ vào ngành nghề kinh doanh và mục tiêu hoạt động là điều hết sức quan trọng để nhà đầu tư lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, không chỉ bởi sự phù hợp để có thể phát triển hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận lâu dài mà bởi tính bắt buộc trong các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện địa điểm của một số ngành nghề nhất định.

3. DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH QUY ĐỊNH TẠI ĐIỂM A KHOẢN 3 ĐIỀU 33 CỦA LUẬT ĐẦU TƯ 2020

Điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật đầu tư 2020 quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư như sau:

“Điều 33. Hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

a. Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có)”.

Như vậy căn cứ theo quy định này, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án đầu tư còn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có). Quy định này đã thắt chặt điều kiện để nhà đầu tư được cấp phép đầu tư đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý về việc đánh giá sự phù hợp của dự án trong quy hoạch các cấp.

4. ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN VỀ SUẤT ĐẦU TƯ TRÊN MỘT DIỆN TÍCH ĐẤT, SỐ LƯỢNG LAO ĐỘNG SỬ DỤNG (NẾU CÓ)

Đây là quy định mới lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật đầu tư 2020. Trước đây quy định này chỉ được chi tiết trong các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Suất vốn đầu tư là thuật ngữ thường sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, căn cứ vào suất vốn đầu tư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình có thể dự tính khoản chi phí để đầu tư xây dựng công trình đó.

Tiêu chí về quy mô lao động cũng không được ghi nhận cụ thể trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vì về bản chất, số lượng lao động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khi dự án đi vào hoạt động và số lượng này cũng thường không mang tính ổn định.

Ví dụ Điểm c, d Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 cũng ghi nhận một số trường hợp dự án đầu tư được hưởng ưu đãi nếu đạt quy mô sử dụng lao động nhất định:

+ Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;

+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

5. ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Theo Khoản 3 Điều 9 Luật đầu tư 2020 quy định về điều kiện tiếp cận thị trường dối với nhà đầu tư nước ngoài gồm:

“Điều 9. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

b) Hình thức đầu tư;

c) Phạm vi hoạt động đầu tư;

d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Có thể thấy Luật đầu tư 2020 đã lần đầu tiên quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư một cách cụ thể và chi tiết. Vậy nên các nhà đầu tư khi tiến hành đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần xem xét kỹ các quy định này để có thể đáp ứng được các điều kiện, tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG