Hội đồng thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là cơ quan hoạt động không thường xuyên. Do đó, các thành viên công ty đã trao một phần quyền của mình cho Giám đốc, Tổng giám đốc để thay mình thực hiện hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của công ty.
1. GIÁM ĐỐC, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN LÀ GÌ?
“Điều 63. Giám đốc, Tổng giám đốc
1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.”
Theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 55 Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Vì vậy, mọi hoạt động của Giám đốc, Tổng giám đốc về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đều phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên. Giám đốc, Tổng giám đốc có thể là người được Hội đồng thành viên bổ nhiệm từ thành viên của Hội đồng hoặc là người được thuê theo hợp đồng lao động.
2. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA GIÁM ĐỐC, TỔNG GIÁM ĐỐC
Khoản 2 Điều 63 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:
“Điều 63. Giám đốc, Tổng giám đốc
2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý trong công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên
g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
h) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;
i) Kiến nghị phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
k) Tuyển dụng lao động;
l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, hợp đồng lao động.”
Có thể phân chia quyền và nghĩa vụ của Giám đốc, Tổng giám đốc thành các nhóm sau:
Thứ nhất, triển khai các quyết định của cơ quan quản lý trong công ty: Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty.
Thứ hai, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Đây là hoạt động chính của Giám đốc, Tổng giám đốc trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp.
Thứ ba, ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Thứ tư, quyết định các công việc nội bộ, quản lý nhân sự: Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý trong công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên; Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty; Tuyển dụng lao động
Thứ năm, quản lý tài chính: Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên; Kiến nghị phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh.
3. TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN LÀM GIÁM ĐỐC, TỔNG GIÁM ĐỐC
Với vai trò của người điều hành sản xuất kinh doanh hàng ngày của công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của công ty. Do đó, pháp luật đặt ra một số tiêu chuẩn nhất định dành cho cá nhân giữ chức vụ Giám đốc, Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:
“Điều 64. Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc
1. Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
3. Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.”
Thứ nhất, không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể, Giám đốc, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên không được là:
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung thêm cụm từ “lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty” so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Như vậy, luật không bắt buộc Giám đốc, Tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh mà có thể chỉ có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty. Có thể thấy điều kiện, tiêu chuẩn của Giám đốc, Tổng giám đốc đã được mở rộng hơn.
Đối với Giám đốc, Tổng giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước, thì cần đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 101 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
4. TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, THƯỞNG VÀ LỢI ÍCH KHÁC
Vấn đề này được quy định tại Điều 66 Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó:
– Công ty trả tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Giám đốc hoặc Tổng giám đốc theo kết quả và hiệu quả kinh doanh.
– Tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.
– Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 71 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được tăng tiền lương, trả thưởng khi công ty không có khả năng thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG