Công ty hợp danh có thể thuê giám đốc không?

Bạn thắc mắc không biết công ty hợp danh có được thuê giám đốc không? Vì bản chất công ty hợp danh là công ty đối nhân nên quy định về giám đốc cũng khác so với các doanh nghiệp còn lại. Cụ thể thế nào, mời bạn theo dõi bài viết sau đây của Luật Hồng Bàng để được làm rõ nhé.


1. Khái niệm công ty hợp danh?

Theo quy định, công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

  • Phải có ít nhất hai thành viên hợp danh; ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn;
  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty;
  • Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được quy định tại điều lệ công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;
  • Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

2. Khái niệm và tiêu chuẩn của giám đốc

2.1. Khái niệm

Theo quy định, giám đốc được hiểu là người đứng đầu của doanh nghiệp, người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

2.2. Tiêu chuẩn của giám đốc

Tiêu chuẩn để trở thành giám đốc được quy định như sau:

  • Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp năm 2020. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
  • Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% (dưới 100%) vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 64 Luật doanh nghiệp năm 2020, giám đốc hoặc tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình (bao gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng) của người quản lý công ty, kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.

3. Công ty hợp danh có được thuê giám đốc không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 182 Luật doanh nghiệp năm 2020, giám đốc trong công ty hợp danh là chức danh được hội đồng thành viên bầu. Trên thực tế, hầu hết các công ty hợp danh đều để chủ tịch hội đồng thành viên kiêm nhiệm luôn chức vụ giám đốc hoặc tổng giám đốc.

Tuy nhiên, khác với các loại hình doanh nghiệp khác, ở công ty hợp danh, các thành viên hợp danh đều có quyền điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty ngoài chủ tịch hội đồng thành viên hay giám đốc hoặc tổng giám đốc.

Theo đó, thành viên hợp danh dù không giữ chức vụ gì trong công ty cũng có quyền đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty hợp danh cũng có thể thực hiện quản lý, điều hành công ty với tư cách là thành viên hợp danh.

Trong trường hợp không kiêm nhiệm, giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty hợp danh có các nhiệm vụ chính như sau:

  • Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách thành viên hợp danh;
  • Triệu tập và tổ chức họp hội đồng thành viên;
  • Phân công phối hợp với công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
  • Đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác.

Theo quy định nêu trên, có thể thấy giám đốc công ty hợp danh bắt buộc phải là thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Lý do là vì các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn với toàn bộ tài sản của mình đối với nghĩa vụ nợ của công ty. Hơn nữa, bản chất của công ty hợp danh là công ty đối nhân nên không thể có trường hợp thành viên góp vốn được trở thành giám đốc hoặc tham gia vào quản lý việc kinh doanh của công ty.

Nói cách khác, quyền lợi và nghĩa vụ của công ty hợp danh gắn chặt với từng cá nhân là thành viên. Nếu thuê người ngoài làm giám đốc công ty hợp danh, sẽ đi ngược lại với bản chất cơ bản của công ty hợp danh, thành lập dựa trên cơ sở tin cậy, tín nhiệm nhau giữa các thành viên. Do đó, chức danh quản lý của công ty phải do thành viên hợp danh nắm giữ để đảm bảo trách nhiệm và sự an toàn trong hoạt động của công ty hợp danh.

Tóm lại, công ty hợp danh là loại hình duy nhất không được thuê giám đốc không phải là thành viên hợp danh. Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.


4. Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp năm 2020.

Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về việc công ty hợp danh có thể thuê giám đốc không?

Nếu có bất cứ thắc mắc về việc công ty hợp danh có thể thuê giám đốc không? hoặc cần tham vấn về các vấn đề khác thì hãy liên hệ ngay với công ty Luật Hồng Bàng để được tư vấn kịp thời.

Luật Hồng Bàng – Khởi tạo thành công luôn làm việc tận tâm và chu đáo, là đơn vị uy tín được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đồng hành.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!