Bạn thắc mắc tội phạm ẩn là gì? Bạn băn khoăn không biết tội phạm rõ và tội phạm ẩn được quy định thế nào? Hãy cùng Luật Hồng Bàng làm rõ vấn đề này thông qua bài viết sau đây.
1. Tội phạm ẩn là gì?
Tội phạm ẩn là số lượng các hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng không được phát hiện và không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc là không có trong thống kê hình sự.
2. Tội phạm ẩn tiếng anh là gì?
Tội phạm ẩn trong tiếng Anh được hiểu là “Dark figure of crime”.
3. Tội phạm “ẩn” và tội phạm “rõ” được quy định như thế nào?
3.1. Các quy định liên quan đến tội phạm ẩn
3.1.1. Các khái niệm liên quan đến tội phạm ẩn
- Độ ẩn: Độ ẩn được hiểu là khả năng ẩn khuất khác nhau của từng loại tội phạm hoặc của từng nhóm tội. Tùy từng loại tội phạm hoặc từng nhóm tội, khả năng che dấu của người phạm tội, đối tượng bị tác động, nạn nhân, khả năng phát hiện, xử lý tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Các nhà tội phạm học nước ta chia độ ẩn của các loại tội phạm thành 04 cấp độ, từ cấp 1 đến độ ẩn cấp 4 theo mức độ tăng dần.
- Thời gian ẩn: Thời gian ẩn là khoản thời gian từ khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi hành vi phạm tội của người đó bị phát hiện. Thời gian ẩn có thể là một khoảng thời gian nhất định nhưng cũng có thể là mãi mãi, phụ thuộc vào khả năng che giấu của người phạm tội. Người phạm tội có khả năng che giấu càng tinh vi thì thời gian ẩn càng lâu.
- Tỉ lệ ẩn: Tỉ lệ ẩn được hiểu là tỉ lệ tương quan giữa tội phạm bị phát hiện và tội phạm chưa bị phát hiện. Để có cơ sở tính toán một cách tương đối chính xác tỉ lệ tội phạm ẩn phải dựa vào nhiều nguồn số liệu khác nhau (nạn nhân, cơ quan tư pháp hình sự,…).
3.1.2. Phân loại tội phạm ẩn
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tội phạm ẩn được chia thành ba loại: Tội phạm ẩn khách quan (hay còn gọi là tội phạm ẩn tự nhiên); tội phạm ẩn chủ quan (hay còn gọi là tội phạm ẩn nhân tạo) và tội phạm ẩn thống kê, cụ thể:
- Tội phạm ẩn khách quan: là những tội phạm đã xảy ra trong thực tế, song các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý tội phạm không có thông tin về chúng.
- Tội phạm ẩn chủ quan: là những tội phạm đã xảy ra trong thực tế mà thông tin về chúng đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý tội phạm nắm được, song vì nhiều lý do khác nhau, các tội phạm đó trong một thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn không bị xử lý hoặc không thể xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật.
- Tội phạm ẩn thống kê: cho đến nay, còn có nhiều quan điểm khác nhau về tội phạm ẩn thống kê. Theo kết quả nghiên cứu, tội phạm ẩn thống kê có thể có ở quốc gia này nhưng không có ở quốc gia khác, có thể có trong giai đoạn này nhưng không có trong giai đoạn khác. Có hay không có tội phạm ẩn thống kê phụ thuộc vào pháp luật về thống kê tội phạm của mỗi quốc gia. Hiện nay, ở nước ta quy định về thống kê tội phạm có tồn tại tội phạm ẩn thống kê. Tội phạm ẩn thống kê là toàn bộ các tội danh mà bị cáo bị tòa án xét xử trong một bản án hình sự nhưng do quy định của pháp luật về thống kê tội phạm đã không thống kê đủ số tội danh đó nên bị loại ra ngoài con số thống kê.
3.2. Các quy định liên quan đến tội phạm rõ
Tội phạm rõ là tội phạm đã được xử lý về hình sự, đã được đưa vào thống kê tội phạm. Tội phạm đã được xử lý về hình sự bao gồm:
- Tội phạm đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật;
- Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt;
- Các trường hợp đã được xác định là tội phạm nhưng đã bị đình chỉ mà không được xét xử vì lý do khác nhau như đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể thực hiện đã chết,…
Tội phạm đã được xử lý về hình sự như vậy được coi là tội phạm rõ khi đã được phản ánh trong thống kê tội phạm.
3.3. Mối quan hệ giữa tội phạm rõ và tội phạm ẩn
Tội phạm rõ và tội phạm ẩn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cụ thể như sau:
- Trước hết, tội phạm rõ và tội phạm ẩn là hai phần của tội phạm đã xảy ra, có quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau. Phần rõ càng lớn thì phần ẩn càng nhỏ và ngược lại. Phần rõ là phần mà có thể được khẳng định một cách chắc chắn vì dựa trên các con số thống kê cụ thể. Trong khi đó, phần ẩn là phần mà không thể có được sự khẳng định chắc chắn vì chỉ dựa trên sự suy đoán. Trong đó, phần rõ là một trong các cơ sở của sự suy đoán này.
- Tội phạm nói chung cũng như nhóm tội phạm hay tội cụ thể đều có phần ẩn. Mức độ “ẩn” ở những đơn vị thời gian, không gian khác nhau cũng như ở những nhóm tội hoặc tội khác nhau đều có thể có sự khác nhau. Ví dụ: Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 được coi là một trong những tội có độ “ẩn” thấp. Trái lại, tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 được coi là các tội có độ ẩn cao. Lý do của sự khác nhau về độ “ẩn” cũng rất khác nhau nhưng trong đó có thể có lý do từ chính đặc điểm riêng biệt của tội phạm.
- Tội phạm rõ so với tội phạm thực tế có thể đạt các tỉ lệ khác nhau ở các phạm vi tội danh, phạm vi không gian và phạm vi thời gian khác nhau nhưng luôn có ý nghĩa đặc biệt, vì vừa phản ánh thực trạng đấu tranh chống tội phạm của Nhà nước và xã hội vừa là cơ sở cần thiết để nghiên cứu phần còn lại của tội phạm – Phần ẩn hay tội phạm ẩn.
- Có khá nhiều tội phạm xảy ra trên thực tế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không bị phát hiện và do vậy không bị xử lý về hình sự. Do đó, việc nghiên cứu tình hình tội phạm phải kết hợp nghiên cứu tình hình tội phạm thực bao gồm cả tội phạm rõ và tội phạm ẩn. Về lý thuyết, khi nghiên cứu tình hình tội phạm cụ thể, chúng ta phải bắt đầu và chủ yếu nghiên cứu tội phạm rõ. Các mô tả, đánh giá, giải thích cũng như dự liệu trước hết và chủ yếu là dựa trên tội phạm rõ. Nghiên cứu tội phạm ẩn được tiến hành sau và kết quả của nó chỉ được sử dụng có tính tham khảo thêm khi nghiên cứu tình hình tội phạm.
Như vậy, có thể thấy, việc nhận thức đúng và thống nhất về tội phạm rõ, tội phạm ẩn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác thống kê tội phạm cũng như đánh giá được ở mức độ tương đối về thực trạng tội phạm ẩn, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền có được cái nhìn tương đối toàn diện về tình hình tội phạm, trên cơ sở đó xây dựng được biện pháp phòng ngừa tội phạm sát với thực tế.
4. Nguyên nhân của tình hình tội phạm có tội phạm “ẩn”?
4.1. Nguyên nhân chủ quan
Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các nguồn thông tin về tội phạm nói trên đã không được thực hiện. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc ẩn của tội phạm có nhiều nhưng có thể bao gồm:
- Từ phía nạn nhân của tội phạm: sau khi tội phạm xảy ra do lo sợ bị trả thù nên những người bị hại thường không dám tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền hoặc là đã có sự thỏa thuận giữa tội phạm với người bị hại nên họ không thực hiện việc tố giác,…).
- Từ người phạm tội: đa số những người phạm tội thường đe dọa người bị hại, đe dọa người làm chứng khiến cho họ không dám thực hiện việc tố giác tội phạm;…
- Từ người làm chứng: nhiều người biết về sự việc phạm tội nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc do quen thân thiết với người phạm tội nên họ không tố giác, cũng có thể do họ thỏa thuận với người phạm tội để nhận một lợi ích vật chất nào đó nên họ cũng không tố giác tội phạm.
- Từ các cơ quan tiến hành tố tụng: thực tế thấy được rằng có rất nhiều hành vi phạm tội không bị xử lý hình sự do có hành vi nhận hối lộ, hoặc là bao che, nể nang dẫn tới việc không xử lý,…
4.2. Nguyên nhân khách quan
Đây là một nguyên nhân nằm hoàn toàn ngoài ý muốn của cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cũng như bản thân người bị hại. Họ không có bất kỳ một thông tin nào về hành vi phạm tội, mặc dù hành vi phạm tội đã xảy ra trên thực tế. Có các trường hợp sau:
- Tội phạm thực tế đã xảy ra nhưng ngay cả người bị hại cũng không biết. Do vậy, việc phạm tội đương nhiên không được tường thuật hoặc không bị phát hiện.
- Tội phạm thực tế đã xảy ra, người bị hại biết nhưng họ không còn cơ hội để tố giác tội phạm, vụ án cũng không có bất cứ một nhân chứng nào cũng như tình tiết quan trọng nào để Cơ quan điều tra điều tra vụ án.
5. Chỉ những tội phạm chưa bị đưa ra xét xử mới được coi là tội phạm?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội,… mà theo quy định của Bộ luật hình sự phải bị xử lý hình sự.
Theo quy định trên, có thể thấy được rằng có 4 dấu hiệu để phân biệt tội phạm với các hành vi vi phạm pháp luật khác đó là: tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi của tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, đây là hình vi trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự.
Như vậy, chỉ cần một người thực hiện những hành vi có đầy đủ những dấu hiệu như đã phân tích ở trên thì đều được coi là tội phạm. Việc xác định một người có được coi là tội phạm hay không không phụ thuộc vào việc tội phạm đó đã bị đưa ra xét xử hay chưa.
6. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về vấn đề tội phạm ẩn.
Nếu có bất cứ thắc mắc về vấn đề tội phạm ẩn hoặc cần tham vấn về các vấn đề khác thì hãy liên hệ ngay với công ty Luật Hồng Bàng để được tư vấn kịp thời.
Luật Hồng Bàng – Khởi tạo thành công luôn làm việc tận tâm và chu đáo, là đơn vị uy tín được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đồng hành.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!