Theo quy định của pháp luật, một người đang bị bắt tạm giam có được dùng điện thoại không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp.
1. Quyền của người bị bắt tạm giam?
Theo Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo trong những trường hợp sau:
- Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
- Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cần trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Khi tam giam thì người bị tạm giam có các quyền sau đây:
- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
- Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
- Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh quyền, thì khoản 2 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 còn quy định người tạm giam có các nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
- Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Bị bắt tạm giam có được dùng điện thoại không?
Pháp luật quy định quyền của người bị tạm giam không có quyền được gọi điện, sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, điện thoại di động là một trong những đồ vật bị cấm đưa vào buồng tạm giam
Do vậy, bị bắt tạm giam không được dùng điện thoại.
3. Những đồ vật không được đưa vào buồng tạm giam
Buồng tạm giam là nơi người bị tạm giam thực hiện chế độ ở, ngủ, được bố trí trong cơ sở giam giữ. Buồng tạm giam phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Người tạm giam phải ở trong buồng tạm giam và sẽ chỉ được ra ngoài khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ để thực hiện lệnh trích xuất và một số hoạt động khác.
3.1. Những đồ vật không được mang vào buồng tạm giam
Người tạm giam sẽ chỉ được mang theo những đồ dùng cá nhân cần thiết vào buồng giam. Và theo Điều 4 Thông tư 32/2017/TT-BCA thì những đồ vật sau sẽ bị cấm đưa vào buồng tạm giam:
- Các loại vũ khí, vật liệu nổ, chất nổ, công cụ hỗ trợ;
- Chất gây mê, chất độc, khí độc, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, nguy hiểm;
- Các chất ma túy, tiền chất ma túy, các chất gây nghiện, các chất hướng thần;
- Các chất cháy, chất gây cháy (xăng, dầu, cồn, bật lửa, các loại diêm…);
- Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc;
- Thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác;
- Các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cung, sắc nhọn khác và các loại dây có khả năng dùng để tự sát, phá buồng giam, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người khác;
- Các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa có nội dung phản động, truyền đạo trái phép, đồi trụy, mê tín dị đoan; các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức;
- Các loại giấy, bút, mực (trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ sở giam giữ);
- Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lào; các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chưa được sự đồng ý của y tế cơ sở giam giữ;
- Tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác.
Pháp luật quy định những đồ vật này bị cấm đem vào buồng tạm giam vì một số lý do sau:
- Có thể bị những người đang tạm giam, tạm giữ sử dụng để tự tử hay gây thương tích cho bản thân hoặc người khác;
- Gây mất kiểm soát và ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
Khi phát hiện việc đưa đồ vật cấm vào buồng tạm giam, cán bộ có trách nhiệm phải tiến hành các công việc sau:
- Lập biên bản thu giữ, ghi lời khai người vi phạm và người làm chứng (nếu có). Trong biên bản phải xác định rõ số lượng, trọng lượng, chủng loại, hình dạng, kích thước, màu sắc, tình trạng và các đặc điểm khác của đồ vật cấm bị thu giữ. Những đồ vật cấm nghi là vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác, ma túy phải niêm phong, có chữ ký của người vi phạm, người làm chứng hoặc người chứng kiến;
- Trường hợp không xác định được đối tượng đưa đồ vật cấm vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam thì khi thu giữ phải có ít nhất 02 người bị tạm giữ, người bị tạm giam chứng kiến ký biên bản, niêm phong (nếu có) và tổ chức xác minh làm rõ để xử lý;
- Sau khi lập biên bản thu giữ đồ vật cấm phải báo cáo thủ trưởng cơ sở giam giữ để xử lý và tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Việc thu giữ, giao nhận đồ vật cấm phải lập biên bản và vào sổ theo dõi.
3.2. Xử lý vi phạm đối với hành vi mang đồ vật cấm vào buồng tạm giam
Người vi phạm việc mang đồ cấm vào phòng tạm giam thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Trường hợp người bị tạm giam tự giác giao nộp đồ vật cấm sẽ được xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý.
Những người khác có hành vi giúp sức, bao che hoặc đưa đồ vật cấm vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam thì phải lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Đối với hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam có dấu hiệu tội phạm thì thủ trưởng cơ sở giam giữ có văn bản đề nghị và chuyển ngày hồ sơ vi phạm cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
3.3. Xử lý đồ vật cấm khi mang vào buồng tạm giam
Lập biên bản chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật với các đồ vật cấm sau:
- Các loại vũ khí, vật liệu nổ, chất nổ, công cụ hỗ trợ;
- Chất gây mê, chất độc, khí độc, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, nguy hiểm;
- Các chất ma túy, tiền chất ma túy, các chất gây nghiện, các chất hướng thần.
Tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ, lập hồ sơ trước khi tổ chức tiêu hủy; trường hợp các đồ vật cấm có các nội dung, dữ liệu liên quan đến vụ án thì chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật với các đồ vật cấm sau:
- Các chất cháy, chất gây cháy (xăng, dầu, cồn, bật lửa, các loại diêm…);
- Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc;
- Thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác.
Đồ vật cấm quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 Điều 4 của Thông tư này thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ ra quyết định và tổ chức tiêu hủy đối với các đồ vật cấm sau:
- Các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cung, sắc nhọn khác và các loại dây có khả năng dùng để tự sát, phá buồng giam, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người khác;
- Các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa có nội dung phản động, truyền đạo trái phép, đồi trụy, mê tín dị đoan; các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức;
- Các loại giấy, bút, mực (trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ sở giam giữ);
- Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lào; các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chưa được sự đồng ý của y tế cơ sở giam giữ.
Đồ vật cấm là tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác sau khi thu giữ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm gửi vào kho bạc Nhà nước nơi đơn vị đóng quân và đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tự giác giao nộp thì được gửi lưu ký hoặc giao cho thân nhân theo nguyện vọng của người giao nộp.
Lưu ý: Việc tiêu hủy đồ vật cấm phải thành lập Hội đồng, đối với trại tạm giam do Giám thị làm Chủ tịch, 01 đồng chí Phó Giám thị làm Phó Chủ tịch, Đội trưởng các đội nghiệp vụ và Bệnh xá trưởng làm Ủy viên; đối với nhà tạm giữ thì do Phó Trưởng Công an cấp huyện phụ trách nhà tạm giữ làm Chủ tịch, Trưởng hoặc Phó Trưởng nhà tạm giữ làm Phó Chủ tịch, cán bộ quản giáo, bảo vệ, y tế làm ủy viên.
4. Chủ thể có quyền ra lệnh tạm giam?
Chủ thể có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Khi người có thẩm quyền ra lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ đầy đủ:
- Họ tên, địa chỉ của những người bị bắt;
- Lý do bắt là gì và các nội dung quy định như số văn bản, ngày, tháng, năm hiện tại, địa điểm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã ban hành văn bản tố tụng;
- Khi ra lệnh bắt bị can, bị cáo thì phải có các căn cứ pháp lý để ban hành văn bản tố tụng;
- Ghi rõ các nội dung của văn bản tố tụng;
- Ghi đầy đủ họ tên, chức vụ, chữ ký của người tiến hành tố tụng để ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu theo quy định.
Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.
Người đang bị tạm giam sẽ được cơ quan điều tra thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương mà không cần phải gọi điện.
5. Tạm giam bao lâu thì được gặp mặt?
Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định cụ thể:
Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không quy định cụ thể thời gian bị tạm giam bao lâu thì được gặp mặt. Nhưng trên thực tế đang trong thời gian bị tạm giam sẽ được thăm gặp theo quy định của pháp luật nếu không thuộc trường hợp thân nhân không được thăm gặp. Số lần gặp phải tuân theo quy định của pháp luật.
5.1. Đối tượng được gặp người đang bị tạm giam
Thân nhân được gặp người đang bị tạm giam gồm:
- Ông, bà nội;
- Ông, bà ngoại;
- Bố, mẹ đẻ;
- Bố, mẹ vợ (hoặc chồng);
- Bố, mẹ nuôi hợp pháp;
- Vợ hoặc chồng;
- Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp;
- Anh, chị, em ruột, dâu, rể;
- Anh, chị em vợ (hoặc chồng);
- Cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
Mỗi lần đến gặp phạm nhân tối đa không quá 03 thân nhân, trường hợp đặc biệt do yêu cầu giáo dục cải tạo, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định việc tăng số lượng thân nhân được gặp phạm nhân nhưng không quá 05 người và phải đảm bảo việc phạm nhân gặp thân nhân không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.
Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đề nghị được gặp phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm.
5.2. Đối tượng không được gặp người đang bị tạm giam
Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây (và phải nêu rõ lý do):
- Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
- Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
- Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp, (đối với trường hợp này thì người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp);
- Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm kỷ luật nơi giam giữ và bị cách ly tại buồng kỷ luật.
Lưu ý, khi đến gặp mặt người đang bị tạm giam, người đến gặp phải xuất trình:
- Một trong các loại giấy tờ tùy thân sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh
- Giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc cho gặp thân nhân, nêu rõ thời điểm được gặp thân nhân, cán bộ quản lý trong thời gian thăm gặp và gửi quyết định cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
6. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
- Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015;
- Thông tư 32/2017/TT-BCA quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam và xử lý vi phạm;
- Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định chi tiết về chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân.
Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về vấn đề bị bắt tạm giam có được dùng điện thoại không
Nếu có bất cứ thắc mắc về vấn đề bị bắt tạm giam có được dùng điện thoại không hoặc cần tham vấn về các vấn đề khác thì hãy liên hệ ngay với công ty Luật Hồng Bàng để được tư vấn kịp thời.
Luật Hồng Bàng – Khởi tạo thành công luôn làm việc tận tâm và chu đáo, là đơn vị uy tín được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đồng hành.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!