Đối với các quốc gia trên thế giới hiện nay, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển thì việc nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư được coi là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Các quốc gia tiếp nhận đầu tư thể hiện thiện chí với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài bằng sự hoàn thiện các quy định về đầu tư của quốc gia đó. Trong đó, các quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư hiện nay trong văn bản luật của các nước hầu như là các quy định bắt buộc vì các quy định về hỗ trợ đầu tư đối với các luật đầu tư của muối nước sẽ tạo nên tính hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư.
Theo cách hiểu phổ thông thì hỗ trợ là “giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào”. Hỗ trợ đầu tư là biện pháp mà nhà nước tạo cơ hội cho phép nhà đầu tư được hưởng những điều kiện thuận lợi nhất định về tài chính, hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ… Nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hình thức hỗ trợ đầu tư phổ biến hiện nay là: các biện pháp hỗ trợ về thủ tục hành chính để tiến hành một dự án đầu tư (thời gian, chi phí cho việc đăng ký đầu tư hoặc thành lập doanh nghiệp); các biện pháp hỗ trợ phát triển trong quá trình đầu tư (hỗ trợ về đào tạo, khuyến khích phát triển), và một số biện pháp hỗ trợ khác như việc mở rộng ngành nghề đầu tư hoặc chính sách đổi mới trong vấn đề sử dụng lao động…
Hình thức hỗ trợ đầu tư không áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư mà chỉ áp dụng cho một số chủ thể nhất định. Theo Khoản 2 Điều 18 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 quy định các đối tượng được hỗ trợ đầu tư bao gồm:
“Điều 18. Hình thức hỗ trợ đầu tư
2. Căn cứ định hướng phát triển kinh tế – xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác.”
Hiện nay, Luật đầu tư năm 2020 với tư cách là nguồn Luật chung điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, đã đưa ra những quy định về hỗ trợ đầu tư rất đơn giản và ngắn gọn trong 3 Điều luật là Điều 18, 19, 20. Trong đó, điều 18 xác định tên của 7 hình thức hỗ trợ đầu tư, còn điều 19 là các quy định cụ thể hơn về hình thức hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu kỹ thuật hạ tầng xã hội. Riêng đối với điều 20 lần đầu tiên đưa ra quy định về hỗ trợ đầu tư đặc biệt – đây là điểm mới so với Luật đầu tư trước đó.
Bên cạnh Luật đầu tư năm 2020, thời gian qua nhà nước Việt Nam đã ban hành và từng bước hoàn thiện, bổ sung nhiều đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực giáo dục Đào tạo quy định về tín dụng, quy định về khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ, về đất đai… Tương ứng với các lĩnh vực hỗ trợ đầu tư được nêu trong Luật đầu tư 2020. Các đạo luật này chính là nguồn luật chuyên ngành quy định cụ thể về các điều kiện và cách thức thực hiện các hình thức hỗ trợ đầu tư hiện nay. Tóm lại, pháp luật hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam là tập hợp các quy định về cách thức thực hiện các hỗ trợ đầu tư trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật khoa học và công nghệ 2013, Luật chuyển giao công nghệ 2017, Luật công nghệ cao 2008…
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG