Các phương thức chuyển đổi doanh nghiệp

Chuyển đổi doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, một doanh nghiệp thực hiện chuyển thành loại hình doanh nghiệp khác trong sự tồn tại liên tục của doanh nghiệp. Chuyển đổi doanh nghiệp có thể giữ nguyên tính chất sở hữu hoặc dẫn đến thay đổi về sở hữu trong doanh nghiệp. Các hình thức chuyển đổi: Chuyển đổi doanh nghiệp được thực hiện giữa những loại hình doanh nghiệp mà pháp luật đã có quy định về thủ tục chuyển đổi. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các hình thức chuyển đổi sau: Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.

1. CHUYỂN ĐỔI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

Khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

Điều 202. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần

1. Doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây:

a) Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

b) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

c) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

d) Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này và các phương thức khác.”

Như vậy, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần có hai vấn đề như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần (cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước): Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là việc chuyển doanh nghiệp mà chủ sở hữu là Nhà nước (doanh nghiệp đơn sở hữu) thành công ty cổ phần (doanh nghiệp đa sở hữu). Theo Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ, đối tượng cổ phần hóa là:

– Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.

Cũng theo quy định của nghị định này, các doanh nghiệp trên thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện sau:

– Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

– Sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp bằng hoặc lớn hơn các khoản phải trả.

– Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ hai, công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành công ty cổ phần:

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác. Để lựa chọn chuyển đổi theo phương thức này, yêu cầu công ty trách nhiệm hữu hạn phải là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là có ít nhất ba thành viên.

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có số thành viên tối đa là 50 thành viên, khi số lượng thành viên vượt quá quy định, công ty phải chuyển đổi thành công ty cổ phần.

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác.

– Kết hợp phương thức trên và các phương thức khác.

2. CHUYỂN ĐỔI CÔNG TY CỔ PHẦN THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN

Phương thức chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định tại Khoản 1 Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 203. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:

a) Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;

b) Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;

c) Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.”

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:

– Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại.

– Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty.

– Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

Cả ba trường hợp trên đều dẫn đến kết quả chung là số lượng cổ đông trong công ty chỉ còn 01 cổ đông. Số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là 03 thành viên, khi số lượng giảm xuống chỉ còn 01 cổ đông, nếu không kết nạp cổ đông mới, công ty phải chuyển đổi sang loại doanh nghiệp khác. Khi đó, để phù hợp với số lượng là 01 cổ đông và chế độ trách nhiệm của cổ đông công ty, thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là lựa chọn phù hợp.

3. CHUYỂN ĐỔI CÔNG TY CỔ PHẦN THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

Công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức được quy định tại Khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 204. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1. Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:

a) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;

b) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

c) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

d) Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông;

đ) Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này và các phương thức khác.”

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác.

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn.

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn.

– Kết hợp phương thức trên và các phương thức khác.

– Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông.

4. CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN, CÔNG TY CỔ PHẦN, CÔNG TY HỢP DANH

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn; không thể chuyển đổi trực tiếp thành công ty cổ phần. Do đó, doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần thì phải thực hiện một thủ tục hành chính trung gian – tức là chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn và sau đó chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn mới đó thành công ty cổ phần. Thủ tục hành chính trung gian chuyển doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn trong trường hợp này hoàn toàn không có ý nghĩa, nhưng tốn kém thời gian, chi phí và thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã nhằm cho phép chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, công ty hợp danh nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ cấu, tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp; giảm bớt các thủ tục, chi phí trung gian không cần thiết trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp. Phương thức chuyển đổi được quy định tại Khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

Điều 205. Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

1. Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

c) Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

d) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.”

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 27. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;

c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.”

– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn. Để bảo vệ lợi ích cho các chủ nợ, đây là quy định cần thiết khi chuyển đổi từ một doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn sang doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG