Doanh nghiệp nhà nước theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp 2020, khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” được sửa đổi so với Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“Điều 88. Doanh nghiệp nhà nước

1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”

Như vậy, theo pháp luật doanh nghiệp 2020, các doanh nghiệp thuộc một trong số các trường hợp sau đây sẽ được xem là doanh nghiệp nhà nước:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp do Nhà nước nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020:

“2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”

Trường hợp 2: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”

Nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” được sửa đổi theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định cụ thể về tổ chức quản trị phù hợp, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh đó, tại Điều 7 Nghị định 47/2021 Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 04 năm 2021 quy định chi tiết hướng dẫn luật doanh nghiệp thì:

“Điều 7. Doanh nghiệp nhà nước và xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp.

1. Công ty mẹ quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp không là công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty mẹ – công ty con khác.

2. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, cổ phần có quyền biểu quyết của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nắm giữ tại doanh nghiệp đó.

3. Công ty độc lập quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và không thuộc nhóm công ty mẹ – công ty con.”

Như vậy, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con thì không được là công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty mẹ – công ty con khác. Theo đó, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, cổ phần có quyền biểu quyết của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nắm giữ tại doanh nghiệp đó.

Ngoài ra, công ty độc lập là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và không thuộc nhóm công ty mẹ – công ty con.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG