Giấy phép con là gì? Quy định về giấy phép con

Có lẽ chúng ta nhiều lần nghe đến cụm từ “Giấy phép con” nhưng không biết nó là gì, cũng không thấy trong luật có quy định. Vậy, giấy phép con là gì? Giấy phép con với giấy phép kinh doanh có điều kiện có phải là một không?

Khi nào cần phải xin giấy phép con? Vai trò của giấy phép con với doanh nghiệp là gì? Các loại giấy phép con hiện nay? Khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến Giấy phép con? Phân biệt giấy phép con với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Bài viết dưới đây, Luật Hồng Bàng hy vọng sẽ cung cấp đến bạn đầy đủ và chính xác thông tin về vấn đề này để bạn có thể tham khảo.


1. Giấy phép con là gì?

Giấy phép con được hiểu là giấy tờ pháp lý cấp cho cá nhân, tổ chức để chứng nhận cá nhân, tổ chức đấy đủ điều kiện kinh doanh một, một số ngành, nghề có điều kiện.


2. Giấy phép con với giấy phép kinh doanh có điều kiện có phải là một không?

Cả hai khái niệm “Giấy phép con” và “Giấy phép kinh doanh có điều kiện” đều không được định nghĩa trong luật. Tuy nhiên, hiện nay nó lại được dùng khá phổ biến.

Giấy phép kinh doanh có điều kiện có thể hiểu là giấy phép cấp cho cá nhân, doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng được các điều kiện về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội hay sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, giấy phép con với giấy phép kinh doanh có điều kiện là giống nhau, tùy theo cách gọi của từng người sẽ khác nhau. Về bản chất nó đều là giấy chứng nhận cho phép chủ thể được kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và theo ngôn ngữ của Luật thì tên gọi chính xác của hai loại giấy này là “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.


3. Khi nào cần phải xin giấy phép con?

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Theo khoản 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.

Như vậy, cá nhân, tổ chức (hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã) khi đăng ký kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 đều phải xin giấy phép con của ngành, nghề đó. Trường hợp giấy phép hết hạn sử dụng thì phải tiến hành gia hạn hoặc cấp mới giấy phép con.

Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh những ngành, nghề khác ngoài Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì không cần phải xin giấy phép con.


4. Vai trò của giấy phép con với doanh nghiệp

Tầm quan trọng của giấy phép con đối với doanh nghiệp là rất lớn. Giấy phép con đối với doanh nghiệp chính là văn bản đảm bảo về mặt pháp lý, đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh, sự cho phép của cơ quan quản có thẩm quyền khi doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.

Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì giấy phép con là yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp phải có, nếu doanh nghiệp nào chưa tiến hành xin các loại giấy phép con phù hợp với ngành nghề mà mình kinh doanh thì bị coi là hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

                                        Giấy phép con là gì? Quy định về giấy phép con

5. Các loại giấy phép con hiện nay

Theo quy định của pháp luật có rất nhiều loại giấy phép con, tùy thuộc mỗi ngành nghề kinh doanh là một loại giấy phép con riêng. Bảng dưới đây là một số loại giấy phép con phổ biến thường gặp:

STT Tên Giấy phép Ngành nghề sử dụng Cơ quan cấp
1 Giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ (tin học) Hoạt động trung tâm ngoại ngữ (tin học) Sở Giáo dục và đào tạo
2 Giấy phép bán lẻ rượu Kinh doanh rượu UBND cấp huyện
3 Giấy phép bán buôn rượu Kinh doanh rượu Sở Công Thương
4 Giấy phép phân phối rượu Kinh doanh rượu Bộ Công Thương
5 Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ Kinh doanh rượu UBND cấp huyện
6 Đăng ký Công bố lưu hành sản phẩm Sản xuất mỹ phẩm Sở y tế
7 Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm Kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán cà phê Sở Y Tế
8 Đăng ký Công bố lưu hành sản phẩm Sản xuất mỹ phẩm Sở y tế
9 Giấy phép bưu chính Bưu chính Sở Thông tin và truyền thông/Bộ Thông tin và truyền thông
10 Giấy phép hoạt động ngành in Dịch vụ in ấn Sở Thông tin và Truyền thông
11 Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế Sở Du lịch
12 Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hóa chất Kinh doanh hóa chất Sở Công thương
13 Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô Kinh doanh vận tải bằng ô tô Sở Giao Thông Vận tải
14 Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài Kinh doanh dịch vụ xuất khẩu Lao động Bộ Lao động TB & XH
15 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao Kinh doanh hoạt động thể thao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
16 Giấy phép sản xuất thuốc thú y Sản xuất thuốc thú y Cục thú y
17 Quyết định cho phép thành lập trường Trường mầm non Sở giáo dục

6. Khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến giấy phép con

Những ngành nghề có điều kiện, cần xin giấy phép con, đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý rắc rối. Vì mỗi loại giấy phép con thì điều kiện và thủ tục khác nhau nên doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép:

  • Pháp luật quy định nhiều loại giấy phép con, các quy định còn rải rác, thiếu tính hệ thống nên gây khó khăn cho doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật;
  • Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, đồng nghĩa với việc tham gia nhiều các Hiệp định tự do thương mại từ đó hình thành nhiều ngành nghề kinh doanh mới. Từ đó đòi hỏi pháp luật cần liên tục được đổi mới để phù hợp với tình hình hiện tại, nhưng đi kèm đó là bất cập có những loại hình mới chưa được quy định rõ ràng, quy định cứng nhắc gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước;
  • Thủ tục cấp giấy phép con tương đối phức tạp mà hệ thống quản lý lại chưa thực sự phân cấp rõ ràng nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tìm hiểu các thủ tục để xin cấp phép;
  • Việc xác định điều kiện, đáp ứng các điều kiện và tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép con còn tốn nhiều thời gian, tốn nhiều công sức của doanh nghiệp.

7. Phân biệt giấy phép con với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Giấy phép con và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đều là các giấy tờ điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh, hoạt động. Tuy nhiên giấy phép con có nhiều đặc điểm khác, cụ thể:

  • Là văn bản được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện và thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều kiện được cấp giấy phép con là đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với mỗi ngành, nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật (Vốn pháp định, cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề…);
  • Thường có thời hạn sử dụng cụ thể. Khi hết thời hạn thì cơ sở phải xin gia hạn giấy phép con hoặc xin cấp mới nếu muốn tiếp tục kinh doanh ngành nghề đó.

Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về Giấy phép con

Nếu có bất cứ thắc mắc về Giấy phép con hoặc cần tham vấn về các vấn đề khác thì hãy liên hệ ngay với công ty Luật Hồng Bàng để được tư vấn kịp thời.

Luật Hồng Bàng – Khởi tạo thành công luôn làm việc tận tâm và chu đáo, là đơn vị uy tín được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đồng hành.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!