Nhà hàng là loại hình dịch vụ được cung cấp phổ biến hiện nay.
Nhưng làm thế nào để mở một nhà hàng theo đúng quy định pháp luật mà vẫn đáp ứng các hiệu quả kinh tế?
Bài viết dưới đây, Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp thông tin cho bạn về kinh nghiệm mở nhà hàng theo quy định.
1. Điều kiện mở nhà hàng
1.1 Điều kiện về chủ sở hữu nhà hàng
Tuỳ từng loại hình doanh nghiệp mà bạn lựa chọn khi mở nhà hàng mà điều kiện về chủ sở hữu có thể có điều kiện khác nhau. Hiện nay pháp luật đang quy định về 5 loại hình mà bạn có thể lựa chọn:
- Doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty hợp danh.
- Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên.
- Công ty cổ phần.
- Hộ kinh doanh.
Đối với công ty tư nhân và công ty hợp danh thì chủ sở hữu chỉ có thể là cá nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần thì chủ sở hữu có thể là cá nhân hoặc tổ chức đều được.
Chủ sở hữu của hộ kinh doanh sẽ là cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình, bạn có thể lựa chọn hình thức này nếu số vốn của bạn không có nhiều và để dễ dàng quản lý.
Điều kiện để chủ sở hữu nhà hàng đối với cá nhân và tổ chức hiện nay đang được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó tổ chức, cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp phải có năng lực hành vi dân sự dân sự đầy đủ:
- Đối với tổ chức thì phải là tổ chức có tư cách pháp nhân;
- Đối với cá nhân thì không bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, tổ chức và cá nhân được thành lập và quản lý doanh nghiệp, trừ một số trường hợp sau:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân không thuộc các trường hợp trên thì đã đủ điều kiện mở nhà hàng.
1.2 Điều kiện ngành nghề khi đăng ký
Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Như vậy, khi mở nhà hàng, các chủ thể đầu tư có thể tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế, thế mạnh của mình, miễn là không thuộc các trường hợp ngành nghề thuộc danh mục cấm của pháp luật.
Các điều kiện cơ bản để bạn có thể mở nhà hàng như:
- Phải có giấy phép kinh doanh có ngành nghề nhà hàng, quán ăn hoặc cung cấp dịch vụ ăn uống.
- Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh nhà hàng
- Có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
- Xin giấy phép con về bia, rượu, thuốc lá (nếu nhà hàng của bạn có hoạt động bán lẻ bia, rượu, thuốc lá)
Ngoài ra, trong một vài trường hợp, bạn phải xin thêm giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, nhà hàng cũng cần tuân thủ các quy định về trật tự xã hội của địa phương, các quy định về chỗ gửi xe của khu vực.
1.3 Điều kiện về tên nhà hàng
Tên của nhà hàng có thể là tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.
Tên nhà hàng không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác đã được đăng ký trên cổng đăng ký doanh nghiệp, áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Để đảm bảo đúng quy định của luật tên nhà hàng khi đăng ký kinh doanh phải bảo đảm ít nhất có hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
1.4 Điều kiện về trụ sở chính
Nhà hàng có trụ sở chính đặt tại Việt Nam cần có địa chỉ là địa điểm kinh doanh hợp pháp, có thể là tài sản của doanh nghiệp, hoặc đi thuê, đi mượn có giấy tờ đầy đủ.
Địa chỉ phải được xác định rõ ràng gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố/đường hoặc thôn/xóm/ấp, xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thành phố/thị xã, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Nếu trụ sở nhà hàng được đặt ở chung cư thì lưu ý chung cư đó phải có chức năng kinh doanh. Còn đối với những địa chỉ khác chỉ cần xác định địa chỉ rõ ràng và được sử dụng theo đúng pháp luật thì hoàn toàn có thể lựa chọn để đặt trụ sở chính của nhà hàng.
1.5 Điều kiện về vốn
Kinh doanh nhà hàng thuộc trường hợp luật không yêu cần vốn pháp định vậy nên nhà hàng có thể tự do lựa chọn mức vốn điều lệ để thành lập công ty.
Luật không quy định về mức vốn tối thiểu cũng như mặc vốn tối đa khi thành lập nhà hàng nên doanh nghiệp có thể thoải mái lựa chọn mức vốn tùy theo năng lực và điều kiện của mình.
Mức vốn điều lệ đăng ký nên phù hợp và tương ứng với thực tế của công ty để có thể thuận tiện hơn trong việc kinh doanh, vì nếu đăng ký quá thấp thì dù luật không cấm nhưng công ty cũng có thể gặp khó khăn khi đi giao dịch, làm việc với đối tác kinh doanh, ngân hàng, cơ quan thuế vì có thể sẽ không được tin tưởng, không muốn giao dịch, hợp tác.
1.6 Điều kiện về con dấu
Con dấu rất quan trọng với doanh nghiệp. Nó thể hiện ý chí của công ty trong mọi giao dịch.
Do vậy, pháp luật hiện hành cũng quy định rất chặt chẽ, quy đinh về kích thước, kiểu dáng sao cho đồng nhất, phù hợp.
Về kích thước, hình dạng con dấu, được pháp luật quy định tại Thông tư 21/2012/TT-BCA như sau:
- Đường kính: 36mm;
- Vành ngoài phía trên con dấu: Mã số doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số giấy phép thành lập, hoạt động, số giấy chứng nhận đầu tư, sau dãy số thực là loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Vành ngoài phía dưới con dấu: Tên cấp huyện kèm theo tên cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính;
- Giữa con dấu: Tên tổ chức dùng dấu.
2. Mở nhà hàng cần những giấy tờ gì?
Hồ sơ thành lập công ty bao gồm các giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh
- Điều lệ công ty (Trừ doanh nghiệp tư nhân)
- Bản sao chứng thực giấy tờ cá nhân của thành viên/cổ đông công ty
- Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông
Đối với từng loại hình doanh nghiệp mà công ty muốn đăng ký mà hồ sơ có sự khác nhau.
Trong trường hợp bạn muốn thành lập hộ kinh doanh, bạn cần có:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
3. Thủ tục mở nhà hàng
3.1 Chuẩn bị và nộp hồ sơ mở nhà hàng
Cá nhân, tổ chức muốn mở nhà hàng chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các văn bản giấy tờ như trên đã được các thành viên/cổ đông công ty ký, đóng dấu hợp lệ vào hồ sơ.
3.2 Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thành lập nhà hàng là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh.
Hồ sơ thành lập nhà hàng có thể thực hiện đăng ký online tại Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.
Địa chỉ website: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/online/default.aspx
3.3 Các công việc phải thực hiện sau khi có giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà hàng cần phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục sau:
- Công bố doanh nghiệp Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.
- Khắc con dấu của công ty.
- Treo biển tại trụ sở công ty.
- Mở tài khoản ngân hàng, Thông báo số tài khoản lên cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Đăng ký chữ ký số điện tử – TOKEN và khai thuế ban đầu, thông báo áp dụng phương pháp tính thuế.
- In và đặt in hóa đơn.
- Kê khai và nộp thuế môn bài.
- Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, bạn còn phải đăng ký các loại giấy phép kinh doanh để nhà hàng được hoạt động như: giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy phép bán lẻ rượu tại chỗ, giấy phép bán lẻ thuốc lá,…
Trên đây là bài viết chi tiết Hướng dẫn Kinh nghiệm mở nhà hàng theo quy định của Luật Hồng Bàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.