Thủ tục xin giấy phép quảng cáo truyền hình

Hiện nay để góp phần đảm bảo sự uy tín của các sản phẩm, các doanh nghiệp thường có nhu cầu mang sản phẩm lên quảng cáo truyền hình. Để đáp ứng được nhu cầu cũng không ít doanh nghiệp muốn thực hiện dịch vụ này. Vậy Giấy phép quảng cáo truyền hình là gì? Tại sao phải thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình? Các loại sản phẩm, dịch vụ nào phải thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình? Thời lượng quảng cáo khi thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình cần lưu ý những gì? Điều kiện để thực hiện quảng cáo trên truyền hình bao gồm những gì?

Hồ sơ để thực hiện quảng cáo trên truyền hình đối với các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ gồm những giấy tờ gì? Quy trình quảng cáo trên truyền hình bao gồm những bước nào?

Bài viết dưới đây, Luật Hồng Bàng hy vọng sẽ cung cấp đến quý khách đầy đủ và chính xác thông tin về vấn đề này để quý khách có thể tham khảo.

1. Giấy phép quảng cáo truyền hình là gì?

Giấy phép quảng cáo truyền hình là tài liệu pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận về việc một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được phép quảng cáo trên truyền hình và chứng thực hoạt động dịch vụ quảng cáo là đúng quy định của pháp luật. Giấy phép quảng cáo truyền hình cho phép doanh nghiệp quảng cáo đúng với các nội dung đã đăng ký trước đó.

2. Tại sao phải thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình?

Căn cứ vào quy định tại Luật quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo:

“Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.”

Theo quy định tại Điều 67 quy định mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định;

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.“

Vì vậy, căn cứ vào các quy định trên, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện các thủ tục xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình khi có nhu cầu quảng bá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trên truyền hình.“

3. Các loại sản phẩm, dịch vụ nào phải thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình?

Căn cứ theo pháp luật hiện hành có quy định cụ thể các sản phẩm, dịch vụ cần phải đăng ký giấy phép quảng cáo trên truyền hình trước khi thực hiện bao gồm:

  • Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, giải phẫu thẩm mỹ và phục hồi chức năng);
  • Thuốc dùng cho người;
  • Mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người;
  • Vắc xin, sinh phẩm y tế;
  • Trang thiết bị y tế;
  • Thực phẩm;
  • Hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

4. Thời lượng quảng cáo khi thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình cần lưu ý những gì?

Thời lượng quảng cáo là thời gian phát sóng các sản phẩm quảng cáo trong một kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; thời gian quảng cáo trong tổng thời gian của một chương trình văn hoá, thể thao; thời gian quảng cáo trong một bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.

Thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.

Trong thời lượng phát sóng mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để phát sóng quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không được quá 05 phút. Bên cạnh đó, trong thời lượng phát sống mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

Tuy nhiên, có một số chương trình không được phát sóng quảng cáo bao gồm:

  • Chương trình thời sự;
  • Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

5. Điều kiện để thực hiện quảng cáo trên truyền hình bao gồm những gì?

Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

  • Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
  • Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
  • Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;
  • Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;
  • Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
  • Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
  • Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
  • Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
  • Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
  • Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
  • Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.

Như vậy, không phải tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh hay các sản phẩm, dịch vụ, hàng hoá thực phẩm chức năng đều có thể thực hiện quảng cáo trên truyền hình. Chỉ có những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên mới có thể thực hiện quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trên truyền hình.

6. Hồ sơ để thực hiện quảng cáo trên truyền hình đối với các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ gồm những giấy tờ gì?

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ cần 01 bộ hồ sơ xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những nội dung, tài liệu bao gồm:

  • Giấy đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm/dịch vụ;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Nội dung quảng cáo (đĩa mềm kèm theo 02 bản kịch bản (đ­ược đóng dấu của tổ chức, cá nhân đăng ký nội dung quảng cáo) kèm theo Giấy tờ xác nhận sản phẩm/dịch vụ quảng cáo đã được cơ quan quản lý xác nhận;
  • Sản phẩm quảng cáo;
  • Tài liệu tham khảo, tài liệu khoa học chứng minh cho thông tin quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không có trong Bản thông tin chi tiết về sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Trong trường hợp tài liệu chứng minh được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt.

7. Quy trình quảng cáo trên truyền hình bao gồm những bước nào?

Quy trình xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình bao gồm các bước sau đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, doanh nghiệp cần quảng cáo sẽ tiến hành nộp hồ sơ trực tiếp tới Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Đài Truyền hình nơi có hoạt động quảng cáo.

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Sau khi hồ sơ được nộp, đơn vị tiếp nhận hồ sơ hay Đài Truyền hình nơi có hoạt động quảng cáo sẽ tiếp nhận và tiến hành thẩm định hồ sơ.

Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Trong trường hợp chưa đủ hồ sơ thì trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp kèm theo văn bản những giấy tờ cần bổ sung cho hồ sơ, Thời hạn bổ sung hồ sơ là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo, nếu hết thời hạn bổ sung mà doanh nghiệp chưa bổ sung thì hồ sơ xin Giấy phép quảng cáo trên xe ô tô hết hiệu lực.

Nếu hồ sơ hợp lệ: Cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ và kiểm tra, nếu hồ sơ hợp lệ thì nhận hồ sơ và ghi vào sổ. Nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo.

Bước 3: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí và nhận kết quả theo phiếu hẹn trả kết quả

Sau khi hồ sơ được tiếp nhận và thẩm định, đơn vị có sản phẩm cần quảng cáo cần tiến hành nộp chi phí xin giấy phép quảng cáo trên truyền hình tại đơn vị tiếp nhận hồ sơ

Đơn vị tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho đơn vị đã đăng ký.

Trên đây là bài viết chi tiết hướng dẫn Thủ tục xin giấy phép quảng cáo truyền hình của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!  

Công ty Luật Hồng Bàng./.