Hướng dẫn thủ tục phá sản tổ chức tín dụng

Phá sản tổ chức tín dụng là một trong những thủ tục không dễ thực hiện và có nhiều giai đoạn. Tổ chức tín dụng không thể duy trì hoạt động nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu để chấm dứt. Bài viết dưới đây, Luật Hồng Bàng sẽ hướng dẫn thủ tục phá sản tổ chức tín dụng để quý khách có thể tham khảo.

1. Khi nào tổ chức tín dụng bị phá sản?

Luật phá sản năm 2014 định nghĩa: Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Do đó, mất khả năng thanh toán trên thực tế và Tòa án tuyên bố phá sản trên văn bản, giấy tờ là hai căn cứ xác định tổ chức tín dụng bị phá sản.

Điều 155 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật các tổ chức tín dụng (sau đây gọi chung là Luật các tổ chức tín dụng) quy định:

“Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.”

Như vậy, tổ chức tín dụng bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi không còn khả năng thanh toán và:

  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt;
  • Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản trên mà tổ chức tín dụng vẫn không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

2. Ai có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Điều 98 Luật phá sản năm 2014 quy định về Quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo đó, người có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán bao gồm:

  • Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần: khi đã hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn
  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở: khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động
  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng
  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng theo Điều lệ
  • Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã

Chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng:

  • Tổ chức tín dụng
  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp khi tổ chức tín dụng không nộp

3. Cơ quan có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

Tòa án nhân dân tỉnh nhận đơn và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; Hợp tác xã theo Luật hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Thủ tục phá sản tổ chức tín dụng

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Chủ thể có quyền hoặc có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 98 Luật phá sản năm 2014

Chủ thể nộp đơn có thể nộp theo một trong hai phương thức sau:

  • Trụ sở Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền giải quyết;
  • Thông qua đường bưu điện.

Bước 2: Tòa án nhận đơn

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Tòa án hoặc là ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu có đủ điều kiện; hoặc là ra quyết định trả lại đơn yêu cầu nếu thuộc trường hợp bị trả lại đơn theo quy định tại Điều 35 Luật phá sản năm 2014.

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho các chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Bước 4: Mở thủ tục phá sản

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho chủ thể nộp đơn, tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán.

Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Trong vòng 20 ngày sau khi Tòa án kết thúc kiểm kê tài sản hoặc kết thúc kết thúc việc lập danh sách chủ nợ, Tòa án tiến hành triệu tập Hội nghị chủ nợ.

Hội nghị chủ nợ ban hành nghị quyết thể hiện một trong số các nội dung:

  • Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản
  • Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với tổ chức tín dụng
  • Đề nghị tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng

Nghị quyết của hội nghị chủ nợ có thể được đề nghị, kiến nghị xem xét lại

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng bị phá sản

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

Quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản phải có một số nội dung như:

  • Ngày, tháng, năm;
  • Tên của Tòa án nhân dân; họ và tên Thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản;
  • Tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản;
  • Căn cứ của việc tuyên bố phá sản;
  • Chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng phá sản; đình chỉ giao dịch liên quan đến tổ chức tín dụng; chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi đối với tổ chức tín dụng; giải quyết hậu quả của giao dịch bị đình chỉ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu; chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, giải quyết quyền lợi của người lao động;
  • Chấm dứt quyền hạn của đại diện tổ chức tín dụng;
  • Thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại của tổ chức tín dụng;
  • Phương án phân chia giá trị tài sản trước và sau khi tuyên bố phá sản của tổ chức tín dụng theo thứ tự phân chia tài sản
  • Chuyển yêu cầu giải quyết tranh chấp cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền;
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản
  • Giải quyết vấn đề khác theo quy định pháp luật.

Bước 7: Thi hành tuyên bố tổ chức tín dụng bị phá sản

Quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng bị phá sản có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân phải gửi quyết định cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xóa tên doanh nghiệp, hợp tác xã trong sổ đăng ký kinh doanh. Từ đây, tổ chức tín dụng được coi là chấm dứt hoạt động chính thức và phải thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến thanh toán các khoản nợ theo quyết định của Tòa, xử lý tài sản có tranh chấp,… Điều này được giao cho cơ quan thi hành án thực hiện.

Việc thi hành tuyên bố tổ chức tín dụng bị phá sản thể hiện qua những công việc sau:

  • Thanh lý tài sản phá sản;
  • Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

5. Thứ tự phân chia tài sản khi tổ chức tín dụng bị phá sản

Theo quy định tại Điều 101 Luật phá sản năm 2014, việc phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng khi phá sản thực hiện theo thứ tự như sau (nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ):

  • Chi phí phá sản;
  • Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
  • Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Sau khi thanh toán đầy đủ các khoản nợ nêu trên mà tổ chức tín dụng vẫn còn tài sản thì tài sản này thuộc về:

  • Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã;
  • Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

6. Cơ sở pháp lý

  • Luật phá sản năm 2014
  • Luật doanh nghiệp năm 2020
  • Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017

Trên đây là bài viết chi tiết hướng dẫn thực hiện thủ tục phá sản tổ chức tín dụng của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!  

Công ty Luật Hồng Bàng./.