Thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu

Hiện nay xuất nhập khẩu là một trong những ngành nghề được ưa chuộng. Rất nhiều cá nhân muốn đứng ra thành lập công ty xuất nhập khẩu. Vậy ngành xuất nhập khẩu có điều kiện gì không, thủ tục thành lập như thế nào? Hãy cùng luật Hồng Bàng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Công ty xuất nhập khẩu là gì?

Công ty xuất nhập khẩu (import export company) là doanh nghiệp thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế dưới hình thức xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Pháp luật thực định không đưa ra khái niệm “công ty xuất nhập khẩu”.

Luật thương mại năm 2005 chỉ đưa ra định nghĩa “xuất khẩu” và “nhập khẩu”.

Cụ thể tại Điều 28 Luật thương mại năm 2005 quy định:

Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng của pháp luật.

Đồng thời, theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thực chất cũng chỉ là hai trong số nhiều hình thức của hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Dựa vào những quy định nêu trên, có thể hiểu công ty xuất nhập khẩu là doanh nghiệp thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế dưới hình thức xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Chuẩn bị thành lập công ty xuất nhập khẩu

2.1 Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp

Để thực hiện tốt hoạt động kinh doanh, việc đầu tiên cần làm là lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, có 4 loại hình doanh nghiệp chính bao gồm:

  • Doanh nghiệp tư nhân,
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn,
  • Công ty hợp danh,
  • Công ty cổ phần.

Trong đó, công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Pháp luật không quy định về điều kiện đối với hình thức pháp lý của công ty xuất nhập khẩu. Vì vậy, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn, quy mô, mục đích, mong muốn của từng chủ thể.

2.2 Lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp

Theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì kinh doanh xuất nhập khẩu là quyền của doanh nghiệp. Như vậy trên thực tế, không có ngành nghề nào tên là “kinh doanh xuất nhập khẩu” và trong Quyết định 27/2018/QĐ – TTg cũng không có mã ngành nghề tương ứng cho hoạt động “kinh doanh xuất nhập khẩu”.

Đồng thời theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ – CP thì thương nhân Việt Nam (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) được phép kinh doanh xuất nhập khẩu tất cả các loại hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu mà không phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh đã đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn, mục đích của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp với mình(trừ ngành nghề kinh doanh bị cấm theo quy định của pháp luật).

2.3 Chuẩn bị các thông tin khác

Ngoài ra, khi thành lập công ty xuất nhập khẩu, cần phải lưu ý về vấn đề khác như: tên doanh nghiệp, địa chỉ doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định. Cụ thể:

  • Tên doanh nghiệp: việc đặt tên doanh nghiệp phải tuân thủ quy định chung tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tên doanh nghiệp không được trùng với những doanh nghiệp đã được đăng ký, không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp.
  • Địa chỉ doanh nghiệp: doanh nghiệp phải có địa chỉ kinh doanh rõ ràng. Địa chỉ trụ sở chính phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Và xác định được số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phó, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • Chứng chỉ hành nghề: Đối với một số ngành nghề đặc thù, chứng chỉ hành nghề là giấy tờ bắt buộc phải có khi kinh doanh vì vậy cần lưu ý xem ngành nghề mình hoạt động kinh doanh có yêu cầu chứng chỉ hành nghề không.
  • Vốn pháp định: Một số ngành nghề sẽ có quy định về vốn pháp định, vì vậy cần xem xét và chuẩn bị đầy đủ số vốn tương ứng với ngành nghề theo quy định của pháp luật thì mới được đăng ký kinh doanh.

3. Hồ sơ thành lập công ty xuất nhập khẩu

Để thành lập công ty xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp tại Nghị định 122/2020/NĐ – CP.
  • Điều lệ công ty
  • Đối với công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì cần có danh sách thành viên, đối với công ty cổ phần thì cần phải có danh sách cổ đông sáng lập.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và các thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp.

4. Thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu

Thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu được thực hiện theo trình tự như sau:

4.1 Chuẩn bị và nộp hồ sơ thành lập công ty xuất nhập khẩu

Trước hết cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ theo hướng dẫn đã được trình bày ở phần trên.

Cần phải lưu ý rằng, các giấy tờ yêu cầu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải sử dụng đúng mẫu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nội dung trình bày trong các loại giấy tờ phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020.

Trong trường hợp, doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần phải xin cấp giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề đó trước khi làm thủ tục đề nghị thành lập công ty xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa có điều kiện thì cần phải làm thêm thủ tục xin giấy phép xuất khẩu (hoặc nhập khẩu).

4.2 Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết yêu cầu thành lập công ty

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết yêu cầu thành lập công ty được gọi là cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo hướng dẫn của Nghị định 01/2021/NĐ – CP, cơ quan đăng ký kinh doanh bao gồm Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh) và Phòng tài chính – kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).

Để thành lập công ty xuất nhập khẩu thì cần phải nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư.

4.3 Thực hiện các công việc bắt buộc sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần phải thực hiện các công việc sau đây:

  • Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
  • Trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các thành viên, cổ đông phải góp đủ số vốn đã đăng ký.
  • Công ty phải lập sổ đăng ký thành viên (sổ đăng ký cổ đông) ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký thành viên (Sổ đăng ký cổ đông) có thể là văn bản giấy, tập hợp dữ liệu điện tử ghi nhận thông tin sở hữu phần vốn góp của các thành viên công ty.
  • Kê khai lệ phí môn bài.
  • Treo biển tại trụ sở công ty.
  • Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp
  • Thông báo mẫu con dấu cho phòng đăng ký kinh doanh
  • Đăng ký thuế lần đầu.
  • Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế.
  • Áp dụng hóa đơn.
  • Đăng ký sử dụng chữ ký số.
  • Khai trình lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Thời gian thực hiện thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu

Thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu có thể được thực hiện qua mạng thông tin điện tử hoặc trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh.

Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp.

Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

6. Dịch vụ xin giấy phép thành lập công ty xuất nhập khẩu – Luật Hồng Bàng

Về cơ bản thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu khá phức tạp và khó khăn. Dù nắm được những quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục nhưng một số trường hợp doanh nghiệp vẫn không thể tự thực hiện toàn bộ hồ sơ để thành lập công ty.

Luật Hồng Bàng chính là đơn vị có thể giúp quý khách thực hiện thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!  

Công ty Luật Hồng Bàng./.