Thủ tục xin giấy phép kinh doanh nhà trọ

Giấy phép kinh doanh nhà trọ là gì? Kinh doanh nhà trọ mà không có giấy phép có bị phạt không? Hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh nhà trọ bao gồm những bước nào? Bài viết dưới đây, Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp đến bạn đầy đủ thông tin về giấy phép kinh doanh nhà trọ để bạn có thể tham khảo.

1. Giấy phép kinh doanh nhà trọ là gì?

Theo quy định của pháp luật, giấy phép kinh doanh nhà trọ được hiểu là văn kiện cho phép các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh nhà trọ khi đáp ứng đủ những điều kiện kinh doanh.

Nhà nước khuyến khích các hoạt động kinh doanh nhưng bắt buộc phải hoàn thành thủ tục hành chính là đăng ký giấy phép kinh doanh; đối với hoạt động kinh doanh nhà trọ, đây là dạng kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo dạng hộ gia đình.

2. Kinh doanh nhà trọ mà không có giấy phép có bị phạt không?

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, những hoạt động sau sẽ không cần đăng ký kinh doanh:

  • Buôn bán rong, bán dạo và những hình thức mua, bán khác không tại địa điểm cố định;
  • Buôn chuyến, mua hàng hóa nơi này vận chuyển bán ở nơi kia cho người buôn sỉ hoặc người bán lẻ;
  • Buôn bán vặt nhỏ lẻ không tại địa chỉ nhất định;
  • Bán quà vặt, bánh kẹo, hàng nước, đồ ăn không có địa chỉ cố định.

Vì thế, cho thuê phòng trọ là hoạt động kinh doanh không thuộc trường hợp miễn đăng ký kinh doanh nên kinh doanh nhà trọ mà không có giấy phép sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định: Người cho thuê nhà trọ mà không có chứng nhận đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh theo quy định thì bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.

Với trường hợp tiếp tục cho thuê trọ trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.

3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh nhà trọ theo hộ kinh doanh cá thể?

3.1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh nhà trọ theo hộ kinh doanh cá thể

Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Trong đó, nội dung của Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:

  • Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Số vốn kinh doanh;
  • Số lao động;
  • Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
  • Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

3.2. Thủ tục đăng ký kinh doanh nhà trọ theo hộ kinh doanh cá thể

Để xin giấy phép đăng ký kinh doanh nhà trọ, chủ cơ sở kinh doanh thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin giấy phép kinh doanh phòng trọ theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh nhà trọ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Bước 3: Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ hay thiếu sót, chủ cơ sở kinh doanh tiến hành bổ sung và sửa chữa.

Bước 4: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện như sau thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký nhà trọ của hộ kinh doanh:

  • Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
  • Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định
  • Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

4. Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo loại hình doanh nghiệp?

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo loại hình doanh nghiệp bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Dự thảo điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông, thành viên sáng lập.
  • Giấy tờ chứng thực của thành viên, người đại diện theo pháp luật.
  • Giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật.
  • Văn bản xác nhận vốn pháp định.
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề và chứng minh nhân dân của người có chứng chỉ hành nghề đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề.

Thủ tục xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo loại hình doanh nghiệp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ công ty/doanh nghiệp bao gồm:

  • Loại hình doanh nghiệp: Theo Luật doanh nghiệp 2020, có 5 loại hình doanh nghiệp chính: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.
  • Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.
  • Tên công ty, địa chỉ trụ sở.
  • Vốn điều lệ của công ty/doanh nghiệp.
  • Ngành nghề kinh doanh.

Bước 2: Nộp hồ sơ công ty/doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

Bước 3: Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ hay thiếu sót, chủ cơ sở kinh doanh tiến hành bổ sung và sửa chữa.

Bước 4: Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phòng trọ cho doanh nghiệp nếu hồ sơ đủ điều kiện.

5. Phí xin phép kinh doanh nhà trọ?

Theo quy định của pháp luật, sau khi nộp hồ sơ tới Phòng tài chính – Kế hoạch thuộc UBND quận/huyện nơi đặt địa điểm thì theo Thông tư 250/2016/TT-BTC, lệ phí đăng ký hộ kinh doanh phải nộp 100.000/lần.

6. Quy định khi kinh doanh hoạt động phòng trọ?

Theo quy định của pháp luật, khi kinh doanh hoạt động phòng trọ cần tuân thủ những điều kiện như sau:

  • Chủ cơ sở kinh doanh là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn để thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của một công ty hợp danh nào đó. Tuy nhiên nếu được sự nhất trí của những thành viên còn lại thì trường hợp trên vẫn được chấp nhận.
  • Phải thông báo bằng văn bản cho Công an xã/phường nơi cơ sở kinh doanh ít nhất là 03 ngày trước khi chính thức hoạt động kinh doanh.
  • Định kỳ hàng tháng phải báo cáo tình hình chấp hành điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ quan Công an – nơi chủ cơ sở đã nộp bản cam kết.
  • Không được chứa chấp, tiêu thụ tài sản của người phạm tội, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.
  • Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Công an thực hiện công tác, hướng dẫn, kiểm tra về trật tự, an ninh.
  • Chấp hành việc hướng dẫn, kiểm tra an ninh, trật tự của cơ quan có thẩm quyền.
  • Khi có thay đổi địa điểm, quy mô, chủ cơ sở kinh doanh, trong thời gian 10 ngày phải thông báo bằng văn bản và gửi cho cơ quan Công an.
  • Có phương án bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu người, tài sản khi có bất cứ sự cố xảy ra.
  • Có sổ đăng ký khách tạm trú.
  • Nghiêm cấm việc lợi dụng nhà trọ để làm nơi sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma tuý; đánh cờ bạc; môi giới mại dâm; chứa chấp tội phạm…

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG