Nhãn hiệu tập thể được xem là nhãn hiệu thuộc sở hữu của một tập thể. Tập thể đó thông thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty…Họ sẽ xây dựng quy chế chung về việc sử dụng và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu tập thể như thế nào? Hồ sơ và quy trình đăng ký ra sao? Bài viết sau đây của Luật Hồng Bàng sẽ giúp bạn đọc giải quyết các vấn đề trên.
1. Nhãn hiệu tập thể là gì?
Căn cứ vào Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009,2019 quy định:
“Nhãn hiệu tập thể là Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.”
Như vậy, về bản chất thì nhãn hiệu tập thể vẫn là một loại nhãn hiệu. Vậy nên, nhãn hiệu tập thể cũng là các dấu hiệu nhìn thấy được (dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc). Nhãn hiệu tập thể cũng thực hiện chức năng phân biệt giữa hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác trên thị trường.
Đặc điểm riêng của nhãn hiệu tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu là một tổ chức. Các thành viên trong tổ chức sẽ được sử dụng nhãn hiệu của tổ chức mình cho sản phẩm mà mình làm ra, theo các quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu được xây dựng cụ thể.
Như vậy, nhãn hiệu này không thuộc quyền sở hữu của riêng một cá nhân hay một doanh nghiệp, mà thuộc quyền sở hữu chung của tổ chức với nhiều thành viên khác nhau. Nói cách khác, nhãn hiệu tập thể cho phép một nhóm các chủ thể có quyền sử dụng cùng một nhãn hiệu cho một loại sản phẩm.
2. Nhãn hiệu tập thể khác gì với nhãn hiệu thông thường?
Vì nhãn hiệu tập thể được sở hữu bởi một tổ chức nhưng bản thân tổ chức lại không trực tiếp sử dụng nó mà từng thành viên của tổ chức sử dụng và khai thác các quyền đối với nhãn hiệu đó, đồng thời phải tuân thủ theo các quy định chung đã thiết lập. Do đó loại nhãn hiệu này chịu sự ràng buộc giữa các thành viên khác trong tổ chức. Việc dịch chuyển quyền phải được tất cả các thành viên đồng ý.
Mặt khác, khi đăng ký nhãn hiệu tập thể ngoài những tài liệu giống như đăng ký nhãn hiệu thông thường, người nộp đơn phải nộp kèm theo quy chế sử dụng. Quy chế sử dụng thường bao gồm những nội dung sau:
- Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
- Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
- Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
- Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
3. Vai trò của việc đăng ký nhãn hiệu tập thể?
Vai trò quan trọng nhất của mỗi nhãn hiệu hàng hóa chính là chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chức năng phân biệt không phải là chức năng duy nhất của nhãn hiệu hàng hóa, mà nhãn hiệu hàng hóa còn có các chức năng khác nhau như:
Chức năng bảo đảm chất lượng, chức năng chỉ dẫn nguồn gốc, chức năng quảng cáo, chức năng kiểm tra và tổ chức thị trường.
Đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chủ sở hữu
Nhãn hiệu tập thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Bởi vì khi làm thủ tục đăng ký, chủ sở hữu phải nộp quy chế sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền. Bất kỳ sự sửa đổi nào đối với quy chế sử dụng cũng phải được thông báo cho cơ quan này.
Tại nhiều nước trên thế giới (ví dụ Đức, Phần Lan, Nauy, Thụy Điển và Thụy Sỹ), đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ bị huỷ bỏ nếu việc sử dụng trái với các quy định của quy chế sử dụng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế
Nhãn hiệu hàng hóa là tài sản vô hình quý giá bậc nhất của doanh nghiệp, là đối tượng sở hữu công nghiệp gắn chặt nhất với quá trình lưu thông hàng hóa. Thông qua nhãn hiệu hàng hóa, nhà sản xuất có thể đánh dấu hàng hóa của mình sản xuất khi đưa ra thị trường, có thể quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ hay cho chính doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đẩy mạnh lưu thông, tăng doanh số hàng hóa của mình.
Và cũng chính thông qua nhãn hiệu hàng hóa, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu, sở thích, yêu cầu chất lượng và khả năng tài chính của mình. Đó chính là nguyên cớ để các nhà sản xuất kinh doanh không ngừng đầu tư tiền của và công sức nhằm xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa uy tín.
Và cũng chính thông qua nhãn hiệu hàng hóa, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu, sở thích, yêu cầu chất lượng và khả năng tài chính của mình. Đó chính là nguyên cớ để các nhà sản xuất kinh doanh không ngừng đầu tư tiền của và công sức nhằm xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa uy tín.
Tuy nhiên, để tạo ra được một nhãn hiệu hàng hóa có uy tín, nhà sản xuất phải có sự đầu tư về sản phẩm. Nhãn hiệu hàng hóa có uy tín thường đi kèm với hàng hóa, dịch vụ có thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước. Và để đạt được lợi ích kinh doanh đó, nhà sản xuất phải không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, củng cố chất lượng nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của những người tiêu dùng thông minh và khó tính. Và như vậy, nhãn hiệu hàng hóa trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, tạo nên uy tín và sự phát triển của các nhà kinh doanh.
Bảo hộ nhãn hiệu góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh
Có thể thấy việc sử dụng đúng đắn chức năng của nhãn hiệu hàng hóa theo đúng pháp luật sẽ tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế do ham lợi, muốn đạt lợi nhuận nhanh chóng và bằng mọi cách rẻ nhất, người ta đã làm hàng giả, bắt chước hoặc nhái theo các thương hiệu nổi tiếng để sản xuất các hàng hóa kém chất lượng và bán với giá rẻ hơn.
Hậu quả được đổ lên đầu cả người tiêu dùng, nhà sản xuất, lẫn toàn bộ nền kinh tế. Người tiêu dùng thiếu lòng tin vào chất lượng và uy tín sản phẩm khiến nhà sản xuất không muốn đầu tư sản xuất hàng hóa mang nhãn hiệu của mình, và nền kinh tế đương nhiên bị triệt tiêu sức sản xuất.
Thị trường sẽ không còn bình đẳng cho mọi doanh nghiệp khi sản phẩm của những kẻ làm nhái, làm giả được mang thương hiệu nổi tiếng dù không cần thời gian cũng như chi phí đầu tư lại bán được với giá rẻ có thể cạnh tranh với những sản phẩm của trí tuệ.
Trước thực tế đó, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo cho họ một sân chơi lành mạnh giữa những nhà sản xuất đúng nghĩa với những sản phẩm của trí tuệ thực sự. Sự bảo hộ nhãn hiệu loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng đối với những sản phẩm, dịch vụ tương tự không bảo hộ.
Bảo hộ nhãn hiệu đôi khi là bảo hộ sản xuất trong nước
Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa không thỏa đáng có thể được xem là cạnh tranh thiếu lành mạnh và trở thành rào cản đối với việc mở cửa thị trường. Trong một số trường hợp, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa thực chất là việc bảo hộ sản xuất trong nước, chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm quốc tế vào thị trường trong nước.
4. Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể?
Căn cứ Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định cụ thể các chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
- Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
- Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
-
- Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
- Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
- Người có quyền đăng ký nêu ở trên, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
- Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
5. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể bao gồm:
- Tờ khai theo mẫu số 04-NH, Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (số lượng: 2). Lưu ý: Nội dung tờ khai bao gồm: mẫu nhãn hiệu, phần mô tả nhãn hiệu, danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Phần mô tả nhãn hiệu trong tờ khai phải nêu rõ nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể; các yếu tố cấu thành; ý nghĩa của nhãn hiệu; phiên âm từ ngữ thuộc ngôn ngữ hình tượng; dịch sang tiếng Việt của từ ngữ bằng tiếng nước ngoài; nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình; nếu yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu màu thì phải chỉ rõ yêu cầu đó và nêu tên màu sắc thể hiện trên nhãn hiệu.
- Danh mục hàng hoá, dịch vụ phải được nêu rõ và xếp nhóm phù hợp theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá dịch vụ (ban hành kèm theo Thoả ước Ni-xơ).
- Mẫu nhãn hiệu (Số lượng: 9). Lưu ý: Mẫu nhãn hiệu được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm. Tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm in trên tờ khai.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể (Số lượng: 1)
Lưu ý: Quy chế phải có đủ nội dung tối thiểu theo quy định, bao gồm tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể; tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể; danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu; điều kiện sử dụng nhãn hiệu; biện pháp xử lý vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu; thông tin về nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; nghĩa vụ của người được sử dụng nhãn hiệu; quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu.
- Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (Số lượng: 1). Lưu ý: Yêu cầu đối với nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù.
- Chứng từ nộp phí, lệ phí. Lưu ý: Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký 01 nhãn hiệu dùng cho 01 hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ.
6. Quy trình đăng ký nhãn hiệu tập thể
Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể được xử lý tại Cục Sở hữu trí tuệ theo trình tự tổng quát sau:
6.1. Thẩm định hình thức
Đây là việc đánh giá tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Thời gian thẩm định hình thức là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
- Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, mẫu nhãn, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân nhóm…
- Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.
- Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Doanh nghiệp tiến hành sửa đổi theo yêu cầu và nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ
6.2. Công bố đơn hợp lệ
Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể được chấp nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo.
6.3. Thẩm định nội dung
Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể đã được công nhận là hợp lệ sẽ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ. Thời hạn thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu là 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
- Cục sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký. Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã đăng ký.
- Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký. Doanh nghiệp xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu, đồng thời đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của doanh nghiệp.
6.4. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Nếu thẩm định nội dung cho thấy nhãn hiệu đạt yêu cầu bảo hộ thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được bảo hộ với thời hạn là 10 năm (có thể gia hạn thêm).
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG