Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người cũng ngày càng cao hơn đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường tồn tại rất nhiều loại hàng hóa khuyết tật, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cũng như an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, pháp luật Việt Nam đã đưa ra những quy định pháp luật cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa cũng như trách nhiệm bồi thường của tổ chức cá nhân kinh doanh.
I. KHÁI QUÁT CHUNG
1.1 Khái niệm
- Hàng hóa có khuyết tật: Theo khoản 3 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi NTD quy định: “Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hoá được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.”
- Ngay khi xác nhận khuyết tật xảy ra, tổ chức, cá nhân phải kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; đồng thời thực hiện việc công bố hàng hóa có khuyết tật trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng những cách thức khác nhằm nhanh chóng đưa thông tin đến với người tiêu dùng.
- – Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: là một loại trách nhiệm dân sự bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, phát sinh khi người nào đó do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tính, tài sản của pháp nhân hoặc của các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng. – Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng: Trách nhiệm BTTH do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho NTD là những hậu quả bất lợi về mặt vật chất mà tổ chức, cá nhân phải gánh chịu do cung cấp hàng hóa có khuyết tật gây ra thiệt hại cho NTD, không phụ thuộc vào tổ chức, cá nhân đó có lỗi hay không trong việc tạo ra hàng hóa có khuyết tật.
1.2. Đặc điểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm pháp lý nên ngoài những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung như do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng, áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người bị áp dụng được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước… thì trách nhiệm BTTH còn có những đặc điểm riêng sau đây.
- Thứ nhất, về cơ sơ pháp lý TNBTTH là một loại trách nhiệm dân sự độc lập, không phụ thuộc hay thay thế trách nhiệm hình sự hay các loại trách nhiệm pháp lý khác. + Thứ hai, về cơ sở hình thành: TNBTTH được hình thành dựa trên sự thỏa thuận hợp pháp giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
- Thứ ba, về khách thể của quan hệ bồi thường thiệt hại Lợi ích mà các bên hưởng tới trong quan hệ bởi thưởng bao giờ cũng mang tính chất tài sản là “hành động” bù đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại.
- Thứ tư, về chủ thể có nghĩa vụ bồi thường. Chú thể bị áp dụng TNBTTH thông thường là người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại, trong một số trường hợp TNBTTH còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác có mối liên hệ nhất định với người gây ra thiệt hại.
- Thứ năm, về phương thức giải quyết tranh chấp. Mềm dẻo, linh hoạt tôn trọng ý trí thỏa thuận và tự định đoạt bình đẳng và tự nguyện giữa các chủ thể. + Thứ sáu, về hậu quả pháp lý luôn là sự gánh chịu những bất lợi về tài sản.
1.3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại
- Có thiệt hại xảy ra
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra
- Có lỗi của người gây thiệt hại.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH TRONG VIỆC BTTH DO HÀNG HÓA CÓ KHUYẾT TẬT GÂY RA ĐỐI VỚI NTD THEO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NTD 2010
Trách nhiệm BTTH do hàng hóa có khuyết tật gây ra được quy định tại điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra. Và theo quy định tại khoản 3 điều này việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2.1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng
tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”. Tại Điều 24, Luật Bảo vệ người tiêu dùng có quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại Điều 23 của luật này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Như vậy, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng thì dù tổ chức bán hàng không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, Theo Điều 42, Luật Bảo vệ người tiêu dùng – nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: 1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. 3. Tòa án quyết định bên có lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Do đó, trong trường hợp nêu trên, người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2.2. Chủ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng
Theo khoản 2 điều 23 Luật BVNTD 2010: “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Có thể thấy chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra là chủ thể tham gia vào quá trình đưa sản phẩm từ sản xuất ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Chủ thể đó có thể có mối liên hệ trực tiếp hoặc không có mối liên hệ trực tiếp với người tiêu dùng. Việc quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi lẽ điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc đòi quyền lợi khi có thiệt hại xảy ra. Cũng như hạn chế tình trạng đùn đẩy, không chịu nhận trách nhiệm của các chủ thể tham gia cung ứng sản phẩm.
2.3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra
Căn cứ theo khoản 3 Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010: Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Như vậy, việc bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật phải được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời; người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
2.4. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại điều 24 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng khi: chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho NTD; NTD sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng; đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện; đã thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người sử dụng trước thời điểm hàng hóa gây thiệt hại; sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại và thiệt hại phát sinh do lỗi của NTD.
Việc quy định các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không chỉ đảm bảo quyền lợi của các bên, bảo đảm sự tự nguyên thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự mà còn là yếu tố thúc đẩy tính chủ động tự vệ của người tiêu dùng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!