Hiện nay, dịch vụ về kế toán, báo cáo thuế đã và đang phát triển và rất phổ biến. Hầu hết các doanh nghiệp dù mới thành lập hay đã hoạt động đều lựa chọn dịch vụ kế toán vì tiện ích, tiết kiệm chi phí và đạt được sự hài lòng cao nhất. Dưới đây là chi tiết quy định pháp luật về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Kế toán 2015
- Nghị định 174/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán.
Điều kiện thành lập công ty dịch vụ kế toán
Doanh nghiệp có thể thành lập công ty dịch vụ kế toán khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên
Theo Điều 57, Luật kế toán 2015 Người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có các tiêu chuẩn sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;
- Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên.
b) Có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
c) Khi mở công ty dịch vụ kế toán, doanh nghiệp chỉ được thành lập theo các loại hình sau:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty hợp danh
- Doanh nghiệp tư nhân.
- Hộ kinh doanh
d) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
e) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
- Góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán;
- Thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài;
- Cung cấp dịch vụ qua biên giới theo quy định của Chính phủ.
f) Doanh nghiệp chỉ được thành lập công ty dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định đã nêu trên và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật Kế toán 2015 quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán như sau:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;
- Có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề;
- Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề;
- Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ. (được hướng dẫn bởi Điều 26, Điều 27 Nghị định 174/2016/NĐ-CP).
b) Công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;
- Có ít nhất hai thành viên hợp danh là kế toán viên hành nghề;
- Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề.
c) Doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;
- Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc.
d) Chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
- Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh;
- Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không được đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
Lưu ý: Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc trong trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đã bị thu hồi thì doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục xóa cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp, chi nhánh.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!