Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải đang trở thành một xu hướng trên thế giới. Bởi những ưu điểm của phương thức này về thời gian, chi phí, và mức độ bảo mật thông tin. Tuy nhiên, phương thức này hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi vì phần lớn cá nhân, tổ chức chưa hiểu hết những quy định của pháp luật, những điểm lợi từ hòa giải thương mại mang lại.
1. Khái niệm
Hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập. Các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng hay xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại, phù hợp với quy định của pháp luật, truyền thống đạo đức xã hội.
2. Đặc điểm
- Một là, về tính chất, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại độc lập mang tính lựa chọn và phi tố tụng.
- Hai là, chủ thể tham gia vào quan hệ hòa giải thương mại bắt buộc phải có hòa giải viên thương mại.
- Ba là, mục đích khi sử dụng hòa giải thương mại là việc các bên tranh chấp mong muốn đạt được một kết quả đồng thuận trên cơ sở tự quyết.
3. Phân loại hòa giải thương mại
- Theo hình thức hòa giải thương mại:
- Hòa giải thương mại quy chế (theo tư cách của tổ chức hòa giải);
- Hòa giải thương mại vụ việc (theo tư cách cá nhân).
- Theo phương pháp hòa giải:
- Hòa giải dàn xếp;
- Hòa giải tạo điều kiện thuận lợi;
- Hòa giải chuyển đổi;
- Hòa giải đánh giá.
4. Vai trò
- Thứ nhất, hòa giải đề cao và đảm bảo yếu tố tự quyết. Trong hòa giải, các bên tranh chấp có thể nói chuyện, trao đổi, đàm phán và thảo luận về các giải pháp trong toàn bộ quá trình. Các bên có quyền tự do bày tỏ, thể hiện và bảo vệ cho quan điểm của mình.
Đây là một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp của hòa giải. Các bên trực tiếp tham gia vào giải quyết chính tranh chấp của mình. Có quyền quyết định với toàn bộ nội dung, kết quả hoà giải.
- Thứ hai, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có thể duy trì hoặc cải thiện mối quan hệ giữa các bên nhờ việc xem xét đến lợi ích và quan tâm thực tế của các bên. Hoà giải ít phụ thuộc vào các quy tắc, nguyên tắc, mà chủ yếu dựa vào con người. Trong khi giải quyết tranh chấp tại tố tụng được căn cứ trên hành vi, sự kiện và các quy định pháp luật, thì trong hỏa giải trọng tâm là con người chứ không phải tình tiết vụ việc.
Hòa giải viên phải xét đến nhu cầu hiện tại cũng như mối quan tâm của các bên. Hòa giải cho phép giải quyết vụ việc dựa trên lợi ích mong muốn của các bên. Hỏa giải viên thường không yêu cầu các bên phải thuyết phục hay làm cho họ tin về những tình tiết thực tế, hơn nữa, họ cũng thiếu những cơ chế hỗ trợ điều tra hoặc kiểm nghiệm sự thật.
- Thứ ba, hòa giải ngoài tố tụng là phương thức hữu dụng khi các bên không lựa chọn hoà giải tại Trọng tải hay Tòa án, bởi thủ tục linh hoạt, không cứng nhắc, có thể được thỏa thuận và điều chỉnh cho thích nghi.
- Thứ tư, hòa giải có ý nghĩa lớn, nó giúp giải quyết ổn thoả hay giảm thiểu những tranh chấp, bất đồng, mâu thuẫn, xích mích theo một cách tối ưu nhất bởi những ưu điểm của nó.
- Thứ năm, hòa giải được biết đến là một biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế. Trong bối cảnh Toà án đang bị quá tải với các vụ tranh chấp cần được giải quyết, hòa giải còn có ý nghĩa giảm tải khối lượng công việc lên Tòa án. Tiết kiệm chi phí, vật chất, thời gian, nguồn lực cho nhà nước, xã hội, cho các tổ chức kinh tế.
- Thứ sáu, hòa giải giúp tạo ra một môi trường tốt hơn cho hoạt động kinh doanh. Hoà giải luôn là biện pháp phổ biến được các bên tranh chấp lựa chọn làm phương thức giải quyết đầu tiên. Bởi nó làm giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp mà các bên phải chịu trong việc thực thi các hợp đồng và giải quyết các tranh chấp.
5. Ưu điểm của hòa giải thương mại và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại
5.1. Ưu điểm của hòa giải thương mại
- Đây là phương pháp được thực hiện với thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên đương sự.
- Khi tham gia hòa giải, với tinh thần thiện chí và hợp tác, các doanh nghiệp cũng dễ đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng hơn so với phương pháp giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng tại Tòa án.
- Hòa giải mang tính thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các mối quan hệ kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên nên nhìn chung ít gây hại đến quan hệ hợp tác vốn có của các bên
- Một ưu điểm nữa của phương pháp hòa giải trong thương mại mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia quan hệ pháp luật này chính là việc không công khai quá trình hòa giải. Với lợi thế này, tên của các bên tranh chấp không bị tiết lộ ra ngoài, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của các doanh nghiệp đó.
5.2. Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại
- Thứ nhất, hoàn thiện quy định về hòa giải viên thương mại.
Pháp luật về hòa giải thương mại cần quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại rõ ràng hơn theo hướng giảm lược điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục hành chính đối với hòa giải viên thương mại. Chỉ nên đưa ra những quy định mang tính định lượng rõ ràng, dễ xác định.
- Thứ hai, hoàn thiện quy định về trung tâm hòa giải thương mại.
- Mở rộng các đối tượng được thành lập trung tâm hòa giải thương mại.
- Bổ sung quy định về số lượng sáng lập viên tối thiểu khi thành lập trung tâm hòa giải thương mại.
- Cần đơn giản hóa thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động của các Trung tâm hòa giải thương mại.
- Cần xem xét để rút ngắn thời gian không tiến hành hoạt động hòa giải để chấm dứt hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại.
- Thứ ba, hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục hòa giải thương mại.
- Hoàn thiện quy định về thỏa thuận hòa giải.
- Hoàn thiện quy định về nguyên tắc bảo mật thông tin trong quá trình hòa giải.
- Hoàn thiện quy định về tạm ngừng tính thời hiệu khởi kiện trong thủ tục hòa giải thương mại.
- Hoàn thiện quy định về công nhận kết quả hòa giải thành sau thủ tục hòa giải.
- Cần đơn giản hóa thủ tục báo cáo hoặt động, lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hòa giải cho cơ quan quản lý nhà nước.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!