Biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm có vai trò quan trọng, các quy định về cầm giữ tài sản giúp bên cầm giữ tạo sức ép cho bên có nghĩa vụ, khống chế rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, bảo đảm an toàn giao dịch dân sự.
Việc đánh giá và đưa ra một số đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật không có nghĩa là các quy định của pháp luật về cầm giữ tài sản trong Bộ luật dân sự 2015 có nhiều bất cập vì trên thực tế việc áp dụng các quy định này đang được thực hiện rất tốt, một số đề xuất được đưa ra để góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật. Một hệ thống pháp luật chặt chẽ, đúng đắn là tiền đề để phát triển các giao dịch dân sự cũng như các quan hệ khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Đánh giá quy định của pháp luật hiện hành
- Bộ luật dân sự 2015 đã chính thức thừa nhận cầm giữ tài sản là một trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc công nhận quyền cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm là điều nên làm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên cầm giữ và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, phát huy vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý cho các giao dịch dân sự, tạo sự chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể khi tham gia các giao dịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
- Với số lượng 05 điều luật (từ Điều 346 đến Điều 350 BLDS), thì những quy định cơ bản này chưa thể điều chỉnh toàn diện những tranh chấp phát sinh từ việc cầm giữ trong hợp đồng song vụ, còn nhiều vấn đề liên quan đến cầm giữ tài sản cần phải được dự liệu để bổ sung. Các sự kiện liên quan đến cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ và biện pháp này là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung, không quy định riêng cho quan hệ dân sự. Những vấn đề bổ sung có thể cần chú ý tới những quy định về đối tượng cầm giữ, thứ tự của quyền nắm giữ, hiệu lực của quyền nắm giữ thật cụ thể hơn nữa…
- Việc bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định cầm giữ đối với quan hệ hợp đồng song vụ, nên một người giữ gìn tài sản hay chăm sóc súc vật thất lạc của người khác không có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản trả chi phí bằng biện pháp cầm giữ tài sản. Trong tất cả các hợp đồng song vụ không thể đều áp dụng biện pháp cầm giữ, theo quy định tại điều 346 bộ luật dân sự 2015, hợp đồng song vụ này áp dụng đối với mọi biện phá cầm giữ. Tuy nhiên với những hợp đồng như “hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” (Điều 513 Bộ luật dân sự 2015). Với loại hợp đồng song vụ này, bên có quyền không có gì để cầm giữ.
Đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật về biện pháp bảm đảm cầm giữ tài sản
Đầu tiên là đổi tượng của cầm giữ tài sản, theo điều 346 Bộ luật dân sự 2015, đối tượng của cầm giữ tài sản là tài sản. Như vậy đối với những hợp đồng song vụ có đối tượng là công việc phải thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì không đặt ra việc cầm giữ tài sản. Quy định này đã hạn chế phần nào quyền của bên bị vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ có đối tượng là công việc phải thực hiện nhưng đối tượng của nghĩa vụ là tài sản.
Ví dụ 1 : về hợp đồng gia công đồ gia dụng bằng tre giữa G và H, theo đó G sẽ giao nguyên liệu cho H, trị giá hợp đồng, tiền công và phương thức thanh toán được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên tuy nhiên đến thời hạn giao hàng, G không trả đủ tiền cho H thì H cũng không thể thực hiện việc cầm giữ tài sản (số đồ gia dụng bằng tre) để yêu cầu G thực hiện nghĩa vụ. Bởi nghĩa vụ trả tiền không phát sinh từ tài sản mà phát sinh từ đối tượng khác.
Ví dụ 2 : như đối với hợp đồng dịch vụ vận chuyển thì đối tượng là công việc phải thực hiện chứ không phải tài sản, như vậy khi nghĩa vụ bị vi phạm thì bên bị vi phạm nghĩa vụ không thể thực hiện được biện pháp cầm giữ. Nên cần mở rộng quy định này, đối tượng của cầm giữ có thể là đối tượng của hợp đồng song vụ hoặc bất kỳ đối tượng nào có thể cầm giữ.
Về thời điểm xác lập cầm giữ tài sản theo quy định tại điều 347 bộ luật dân sự 2015 thì cầm giữ tài sản phát sinh khi có sự vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Mà theo khoản 2 điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy nếu trong trường hợp bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ nhưng lại chứng minh được việc vi phạm đó là do sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết.
Ví dụ: như A thuê kho lạnh của B để bảo quản cá đông lạnh tuy nhiên trong thời gian thuê xảy ra sự cố là kho lạnh bị mất điện khiến tài sản của A bị tổn thất, lúc này A yêu cầu B bồi thường và cầm giữ kho lạnh cho đến khi B trả đủ tiền tuy nhiên B lại chứng minh được B hoàn toàn không có lỗi trong việc làm cho kho mất điện, mà hệ thống điện bị mất do trong quá trình A sử dụng xảy ra mưa bão, nhà kho bị sét đánh trúng dẫn đến mất điện. Trong trường hợp này thì B không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nên luật cần quy định rõ hơn về vấn đề này, cần xét đến các trường hợp có sự kiện bất khả kháng xảy ra để bảo đảm sự công bằng cho các chủ thể.
Về chấm dứt cầm giữ khi các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ, trường hợp này mang tính máy móc và không phù hợp với thực tiễn. Trên thực tế thì quyền cầm giữ trong nhiều trường hợp có hiệu quả hơn nhiều so với các biện pháp bảo đảm khác. Và quy định về chấm dứt cầm giữ theo thỏa thuận của các bên, việc cầm giữ tài sản phát sinh do bên có nghĩa vụ thực hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ chứ không phải do thỏa thuận của các bên, thông thường việc chấm dứt theo thỏa thuận của các bên thực hiện khi cả hai bên đều có quyền và nghĩa vụ với nhau. Tuy nhiên đối với biện pháp cầm giữ, việc cầm giữ chấm dứt khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ theo khoản 3 điều 350 hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ thì chấm dứt theo khoản 2 điều 350 Bộ luật dân sự 2015 chứ không chấm dứt do thoản thuận, việc quy định điều này lặp lại các căn cứ đã liệt kê trước đó, nên không cần thiết phải giữ căn cứ này trong quy định về biện pháp cầm giữ.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!