Ở nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển trên thế giới giao dịch bảo đảm là một thiết chế ra đời khá sớm. Việc đặt ra các quy định này giúp tạo ra một hành lang pháp lý an toàn góp phần không nhỏ vào sự ổn định của các quan hệ dân sự, kinh tế. Tránh các tranh chấp phát sinh từ việc có hoặc không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Tại Việt Nam, giao dịch bảo đảm cũng được quy định từ sớm trong các bộ luật dân sự, theo quy định tại điều 292 bộ luật dân sự 2015 có 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp cầm giữ tài sản.
I. Quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản.
1. Khái niệm, đặc điểm và nội dung về biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản
1.1. Khái niệm
Theo điều 346 bộ luật dân sự 2015: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
1.2. Đặc điểm
– Chỉ được xác lập bên cạnh một hợp đồng song vụ mà tài sản cầm giữ là đối tượng của hợp đồng đó.
– Được xác lập bởi ý chí đơn phương của bên bị vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.
2. Các quy định của pháp luật hiện hành.
2.1. Đối tượng cầm giữ tài sản.
Theo điều 346 Bộ luật dân sự 2015, đối tượng của cầm giữ tài sản là tài sản.
Tài sản được quy định tại điều 105 bộ luật dân sự 2015: “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tuy nhiên tài sản cầm giữ phải thỏa mãn các điều kiện được quy định tại điều 295 bộ luật dân sự 2015 về tài sản bảo đảm.
– Theo khoản 1 của điều này, tài sản cầm giữ có thể là tài sản thuộc sở hữu của bên vi phạm nghĩa vụ hoặc chủ thể khác.
– Khoản 2 quy định “tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được”.
– Khoản 3 quy định tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
– Theo khoản 4 giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
2.2. Xác lập cầm giữ tài sản: (điều 347 bộ luật dân sự 2015)
– Theo khoản 1 điều này “Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Như vậy đầu tiên là có một nghĩa vụ không được thực hiện hay thực hiện không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Việc xác định thời điểm bên có nghĩa vụ vi phạm căn cứ vào thỏa thuận về thời điểm thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Đối với trường hợp không có thỏa thuận thì thời điểm thực hiện quyền và nghĩa vụ là thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực. Tiếp theo là bên cầm giữ đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ. tài sản này phải được bên có quyền chiếm giữ một cách hợp pháp. Tài sản sẽ được chuyển giao cho bên cầm giữ nắm giữ nhưng bên cầm giữ không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không được sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
2.3. Quyền của bên cầm giữ: (điều 348 bộ luật dân sự 2015)
– Theo khoản 1: “Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ”. Đây là chính là mục đích ban đầu của bên cầm giữ. Bên cầm giữ cầm giữ tài sản nhằm yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ giữa hai bên.
Khi nào nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ chưa được thực hiện đúng và đầy đủ, thì bên có quyền vẫn được quyền cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ. Ngay cả khi không phát sinh cầm giữ, khi có sự vi phạm nghĩa vụ xảy ra thì bên cầm giữ cũng có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình.
Theo quy định tại khoản 3 điều 650 bộ luật dân sự 2015, bên có quyền được chiếm giữ tài sản cho đến khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ. Như vậy, cho dù nghĩa vụ đã được thực hiện một phần thì bên có quyền vẫn được tiếp tục cầm giữ tài sản.
– Khoản 2 quy định “yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ”. Một số loại tài sản, trong quá trình cầm giữ có thể phát sinh các chi phí bảo quản, cầm giữ tài sản, do đó, bên có quyền hoàn toàn có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán những chi phí này.
– Khoản 3 quy định “Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý”. Bên cầm giữ tài sản chỉ được khai thác tài sản để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.
Giá trị từ việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Quy định này tạo thuận lợi cho việc thanh toán khoản nợ đối với bên cầm giữ nhất là trong trường hợp tài sản có khối lượng lớn cần có kho bãi chứa hàng hay trong trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
2.4. Nghĩa vụ của bên cầm giữ: (điều 349 bộ luật dân sự 2015)
– Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ: bên cầm giữ tài sản phải giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ như của chính mình trong suốt thời gian chiếm hữu, nếu không bảo quản tài sản dẫn đến thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên có tài sản bị cầm giữ.
– Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ: trong quá trình cầm giữ tài sản, bên cầm giữ không được thay đổi tình trạng của tài sản.
– Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ: bên cầm giữ tài sản chỉ có quyền chiếm hữu đối với tài sản cầm giữ.
– Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện: ý nghĩa của việc cầm giữ tài sản là nhằm bảo đảm cho việc thực hiện một nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ liên quan đến chính tài sản đó, vì vậy, khi nghĩa vụ dược thực hiện, thì biện pháp cầm giữ đương nhiên chấm dứt, và bên cầm giữ phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
– Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ: Nếu tài sản cầm giữ bị hư hỏng hoặc giảm sút giá trị sử dụng do vi phạm về quy định bảo quản của bên cầm giữ thì họ phải tự mình sửa chữa tài sản hoặc bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ.
Nghĩa vụ của bên cầm giữ thể hiện dưới dạng hành vi phải thực hiện và hành vi không được phép thực hiện. Bất cứ sự vi phạm nào của bên cầm giữ liên quan đến tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có nghĩa vụ tùy theo mức độ vi phạm.
2.5. Chấm dứt cầm giữ: (điều 350 bộ luật dân sự 2015)
Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:
– Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế: có thể do tài sản đã bị người thứ ba chiếm hữu trái pháp luật hoặc bên cầm giữ không tiếp tục thực hiện quyền cầm giữ nữa.
– Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ: Tức là bên cầm giữ đồng ý trả tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên có nghĩa vụ và thực hiện biện pháp bảo đảm thay thế khác. Trong trường hợp này, nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.
– Nghĩa vụ đã được thực hiện xong: tức là bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ thì chấm dứt quyền cầm giữ của bên có quyền, vì lúc này, điều kiện để phát sinh quyền cầm giữ đã không còn;
Bên cạnh đó, nghĩa vụ cũng có thể được thực hiện xong trong trường hợp khi bên có quyền khai thác tài sản cầm giữ, thu hoa lợi, lợi tức do tài sản mang lại và những giá trị này bù trừ toàn bộ giá trị nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ.
– Tài sản cầm giữ không còn: Trong trường hợp tài sản cầm giữ không còn, bên có quyền sẽ không còn căn cứ để gây “sức ép” đối với bên có nghĩa vụ, vì vậy, biện pháp cầm giữ tài sản cũng không thể thực hiện được.
– Theo thỏa thuận của các bên: Tất cả các hợp đồng có hiệu lực pháp luật đều là hệ quả sự thỏa thuận, do đó biện pháp cầm giữ tài sản cũng chấm dứt theo thỏa thuận giữa các bên có quyền và có nghĩa vụ.
Trong trường hợp này, bên cầm giữ đồng ý trả tài sản cho bên có nghĩa vụ. Để đạt được sự thoả thuận này có thể xuất phát từ sự tin cậy giữa các bên trong giao kết hợp đồng hoặc bên có nghĩa vụ phải đáp ứng các điều kiện khác do hai bên thoả thuận, hoặc bên có nghĩa vụ thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!