Giao kết hợp đồng thương mại điện tử và những rủi ro thường gặp

Xã hội ngày càng phát triển, khoa học công nghệ ngày càng được áp dụng vào thực tế nhiều hơn,việc mua sắm, trao đổi hàng hóa đang được thực hiện hổ biến trên các trang thương mại điện tử.Việc ký kết hợp đồng vì thế cũng  dần được chuyển sang việc sử dụng sự hỗ trợ của các phương tiện điện tử.

Tuy nhiên trong quá trình giao kết cũng không thể tránh khỏi các rủi ro. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ phân tích các rủi ro và các giải pháp phòng tránh rủi ro trong giao kết thực hiện hợp đồng thương mại điện tử.

1. Giao kết hợp đồng thương mại điện tử

  • Quy trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử: Hợp đồng sẽ đuợc giao kết khi chào hàng của bên chào hàng được chấp nhận.
  • Thời điểm hình thành hợp đồng thương mại điện tử: là thời điểm người chào hàng nhận được trả lời chấp nhận chào hàng.
  • Nguyên tắc giao kết hợp đồng điện tử ở Việt Nam:
    • Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phuơng tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng;
    • Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng;
    • Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
  • Sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số: đảm bảo tính xác thực và bảo mật thông tin.
    • Tính xác thực ở đây là việc các tài liệu giao dịch đó phải được đảm bảo là do chính người gửi gửi.
    • Tính bảo mật là thông tin đó không bị bên thứ ba biết và sửa đổi.

       => Để đạt được điều này, các tài liệu giao dịch trong thương mại điện tử cần có chữ ký số và chứng thực điện tử.

2. Rủi ro trong giao kết hợp đồng thương mại điện tử

2.1 Chưa có hợp đồng thương mại điện tử mẫu nên không bảo đảm sự thống nhất trong giao dịch thương mại điện tử

– Hiện nay, việc giao kết hợp đồng trực tuyến được tiến hành chủ yếu thông qua website của doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử của các nhà cung cấp trung gian.

– Khác với thư điện tử trao đổi trực tiếp giữa hai bên, giao kết hợp đồng trên website có thể được thực hiện qua sự tương tác giữa khách hàng và chức năng đặt hàng trực tuyến của website hoặc thông qua những hợp đồng truyền thống được đưa lên website mà thông thường đây là những hợp đồng mẫu.

– Pháp luật hiện hành mới bao hàm quy định điều chỉnh về quy trình giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, mà chưa có quy định về nội dung hợp đồng mẫu, trong khi các giao dịch này đang phát triển ngày càng nhanh chóng và tự phát khiến cho người tiêu dùng gặp nhiều bất lợi.

– Nội dung của hợp đồng đã được người bán chuẩn bị sẵn. Cần phải có một quy chế pháp lý điều chỉnh sao cho vừa không ảnh hưởng đến quá trình đi đến thỏa thuận trong giao kết hợp đồng thương mại điện tử, vừa bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng.

– Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011 tuy đã có đưa ra một số quy định về hợp đồng mẫu nhưng dường như chỉ mới điều chỉnh các hợp đồng mẫu giao kết theo phương thức truyền thống mà chưa tính đến hợp đồng điện tử.

2.2 Giao kết hợp đồng thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài

– Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và các văn bản dưới luật vẫn chưa có quy định cụ thể việc hợp đồng thương mại điện tử được giao kết với doanh nghiệp nước ngoài, mà chỉ quy định về thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài (khoản 1 Điều 27).

Vậy làm thế nào để xác định một chữ ký điện tử nước ngoài là có độ tin cậy tương đương với chữ ký điện tử thông thường theo quy định của pháp luật Việt Nam?

Hiện cũng chưa có một văn bản nào thừa nhận những tiêu chuẩn quốc tế, hay các điều ước quốc tế nào mà Việt Nam là thành viên để xác định độ tin cậy của một chữ ký điện tử nước ngoài. Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, vấn đề giao kết hợp đồng thương mại điện tử với người nước ngoài cần đặc biệt quan tâm. Chính phủ không những cần thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thư điện tử nước ngoài, mà còn cần quy định chi tiết về lời đề nghị, chấp nhận giao kết, hiệu lực hợp đồng cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với các thương nhân nước ngoài.

2.3 Giải quyết tranh chấp liên quan đến giao kết hợp đồng thương mại điện tử

  • Vấn đề giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm được Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định 3 điều (từ Điều 50 đến Điều 52) và mới chỉ đề cập đến vấn đề xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong các giao dịch điện tử, chưa có quy định nào để giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng điện tử nói chung và hợp đồng thương mại điện tử nói riêng.
  • Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử ngày 16/5/2013 quy định về phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại điện tại khoản 4 Điều 76.
  • Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định rất cụ thể về hình thức giải quyết tranh chấp tại Điều 317.

Có thể thấy, tuy cùng liệt kê 4 phương thức giải quyết tranh chấp là: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài và Tòa án, nhưng chỉ Luật Thương mại 2005 mới liệt kê theo đúng trình tự ưu tiên áp dụng các phương thức mà các bên có thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Nghị định 52/2013//NĐ-CP mới chỉ liệt kê mà không quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết của từng phương thức.

2.4 Chưa có các quy định điều chỉnh vấn đề “tài sản ảo”

  • Những năm gần đây, vấn đề “tài sản ảo” trở thành chủ đề nóng ở Việt Nam.
  • Điều 105 BLDS năm 2015 quy định tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
  • Để xác định “tài sản ảo” là một loại tài sản cần phải xem xét các khía cạnh sau khác nhau.
  • Xét về mặt giá trị, “tài sản ảo” có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng những nhu cầu của con người.
  • Trong thực tế, các giao dịch liên quan đến “tài sản ảo” được thực hiện khá phổ biến, mặc dù pháp luật không chính thức thừa nhận và bảo hộ loại tài sản này là đối tượng của giao dịch dân sự nhưng giá trị của các loại “tài sản ảo” này là rất lớn, có thể trị giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
  • Mặc dù giao dịch mua bán các tài sản này đã phổ biến nhưng vẫn chưa có quy định pháp luật nào định nghĩa thế nào là tài sản ảo và tài sản ảo trong quan hệ hợp đồng thương mại điện tử được điều chỉnh như thế nào. Do tính phức tạp về công nghệ nên việc giám sát, giải quyết tranh chấp liên quan đến mua bán, chuyển nhượng tài sản ảo trong các game online nói riêng và tài sản ảo nói chung là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ, tiến hành một cách thận trọng.

3. Giải pháp phòng tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng thương mại điện tử ở Việt Nam.

  • Thứ nhất, xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể việc giao kết và thực hiện hợp đồng theo mẫu trên các website thương mại điện tử.
    • Để đảm bảo tính ưng thuận trong hợp đồng và đảm bảo tính công bằng trong quan hệ giữa thương nhân và người tiêu dùng, cần xây dựng những quy định cụ thể về hợp đồng mẫu trên các website thương mại điện tử.
    • Bên cạnh các quy định chung và mang tính kỹ thuật về giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, cần bổ sung quy định chi tiết về nội dung các hợp đồng thương mại điện tử mẫu được đưa lên website.
  • Thứ hai, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về hợp đồng thương mại điện tử.
    • Rà soát, hệ thống hóa, chúng ta có thể phát hiện được những quy định, những VBQPPL mâu thuẫn, chồng chéo, lạc hậu, không còn phù hợp với định hướng phát triển của hợp đồng thương mại điện tử;
    • Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, loại bỏ hoặc ban hành văn bản mới, tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đáp ứng nhu cầu có một môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn để giao kết hợp đồng thương mại điện tử.
  • Thứ ba, bổ sung các quy định cụ thể hơn về giải quyết tranh chấp liên quan đến giao kết hợp đồng thương mại điện tử.
    • Luật Giao dịch điện tử và Nghị định hướng dẫn về thương mại điện tử cần quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự thủ tục của từng phương thức giải quyết tranh chấp như vai trò, trách nhiệm của bên hòa giải thứ ba, cách thức xác định Trọng tài, Tòa án giải quyết tranh chấp…
  • Thứ tư, xây dựng quy định điều chỉnh đối với tài sản ảo:
    • Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 quy định chi tiết hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, trong đó, Điều 7 Thông tư quy định về  vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính chất chung chung về quyền và nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ trò chơi và người chơi mà không thừa nhận hay bảo hộ cho các tài sản ảo. Do đó, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu và đề xuất ban hành VBQPPL có giá trị pháp lý cao hơn điều chỉnh vấn đề tài sản ảo.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com 

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!