Nộp yêu cầu trọng tài
Bất cứ bên tranh chấp nào, quốc gia hay nhà đầu tư có nguyện vọng giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài đều có thể khởi động vụ kiện bằng cách nộp yêu cầu trọng tài (bằng văn bản) cho Tổng thư ký (Secretary-General). Theo đó, Tổng thư ký sẽ gửi bản sao đơn yêu cầu tới bên khác (Điều 36.1 công ước ICSID).
Yêu cầu trọng tài phải bao gồm các thông tin: (i) Các vấn đề tranh chấp, (ii) Các bên tranh chấp, (iii) Sự đồng thuận của các bên đối với thiết chế trọng tài phù hợp với quy tắc thủ tục tố tụng của tổ chức trọng tài và hoà giải (Điều 36.2 công ước ICSID).
Tổng thư ký sẽ đăng ký yêu cầu trừ khi Tổng thư ký nhận thấy (dựa trên cơ sở thông tin tại đơn yêu cầu) rằng tranh chấp rõ ràng nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của trung tâm. Trong trường hợp này, tổng thư ký sẽ thông báo ngay cho các bên hoặc từ chối việc đăng ký (Điều 36.3 công ước ICSID).
Thủ tục đăng ký đề nghị trọng tài thực chất là thủ tục sàng lọc đơn. Qua thủ tục đăng ký đề nghị trọng tài, Tổng thư ký có thể loại bớt những tranh chấp không thuộc thẩm quyền của ICSID. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 25 của công ước ICSID, bao gồm:
- ICSID có thẩm quyền tài phán đối với bất kỳ các tranh chấp nào phát sinh trực tiếp từ hoạt động đầu tư. Các tranh chấp thương mại khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của ICSID.
- Chủ thể của tranh chấp là quốc gia ký kết và công dân của quốc gia ký kết khác. Trong đó:
Quốc gia ký kết cũng có thể bao gồm bất kỳ cơ quan, hoặc tổ chức cấu thành nào mà quốc gia đó thông báo cho ICSID.
Công dân của quốc gia ký kết khác bao gồm: cá nhân hoặc pháp nhân của quốc gia ký kết khác. Trừ trường hợp áp dụng cơ chế phụ trợ (kể từ năm 1987, ICSID đã đưa ra quy tắc phụ trợ, cho phép Ban thư ký ICSID xử lý một số loại tranh chấp giữa quốc gia ký kết và công dân nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước. Tuy nhiên, giá trị của quyết định giải quyết tranh chấp theo cơ chế phụ trợ chỉ có tính chất khuyến nghị đối với các bên tranh chấp chứ không có tính bắt buộc như phán quyết của trọng tài ICSID.
3. Sự đồng thuận của các bên tranh chấp. Thủ tục trọng tài ICSID đòi hỏi phải có sự nhất trí của các bên tranh chấp. Việc quốc gia ký kết và phê chuẩn công ước ICSID không có nghĩa là tranh chấp liên quan đến quốc gia đó tự động giải quyết bằng quy tắc Trọng tài ICSID mà đòi hỏi phải có thêm thủ tục “đồng thuận”.
- Tổ chức hội đồng trọng tài
Theo quy định tại Điều 37 công ước ICSID, hội đồng trọng tài sẽ được tổ chức ngay sau khi Tổng thư ký đăng ký yêu cầu trọng tài từ phía nhà đầu tư theo quy định tại Điều 36 công ước ICSID.
Số lượng thành viên hội đồng trọng tài là một trọng tài viên hoặc nhiều hơn (là số lẻ thành viên) được chỉ định như các bên đồng ý. Trong trường hợp các bên không đồng ý số lượng thành viên và cách thức chọn trọng tài viên, hội đồng trọng tài sẽ bao gồm 03 trọng tài viên, mỗi bên bổ nhiệm một trọng tài và trọng tài thứ ba sẽ là chủ tịch hội đồng trọng tài do các bên đồng ý bổ nhiệm (Điều 37.2 Công ước ICSID).
Trong trường hợp hội đồng trọng tài không được thành lập trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thông báo về yêu cầu đăng ký trọng tài được Tổng thư ký gửi đi theo Điều 36.3 Công ước ICSID hoặc trong một khoảng thời gian khác như hai bên đã thống nhất, chủ tịch sẽ chỉ định trọng tài khi một bên yêu cầu và sau khi đã tham khảo ý kiến của các bên. Trọng tài được bổ nhiệm/chỉ định bởi chủ tịch theo Điều 38 công ước ICSID sẽ không là thành viên của quốc gia đang tranh chấp hoặc quốc gia của chính nhà đầu tư trong vụ việc này (Điều 38 Công ước ICSID). Tuy nhiên, trong trường hợp mà các bên tự chỉ định thì hạn chế về quốc tịch của trọng tài như được đề cập ở Điều 38 Công ước ICSID không áp dụng (theo Điều 39 Công ước ICSID).
- Cuộc họp quản trị vụ kiện
Thời gian mở cuộc họp quản trị vụ kiện: Trong vòng 60 ngày kể từ ngày thành lập HĐTT, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Cuộc họp quản trị vụ kiện có thể được tổ chức trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua cầu truyền hình. Các vấn đề thảo luận tại cuộc họp quản trị vụ kiện bao gồm các vấn đề thủ tục và lịch biểu của thủ tục trọng tài.
- Nộp bản đệ trình
Theo quy định tại quy tắc số 31, các bên có thể thỏa thuận số lượng bản đệ trình và thời gian nộp các bản đệ trình.
Vòng 1: Đơn khởi kiện (Statement of Claim/Memorial) của nguyên đơn và bản tự bảo vệ (Statement of Defence/Counter-Memorial) của bị đơn.
Vòng 2: Bản trả lời (Reply) của nguyên đơn và bản kháng biện (Rejoinder) của bị đơn
HĐTT có thể, theo quyết định của riêng mình hoặc theo thỏa thuận với các bên, ra lệnh cho các bên nộp thêm bản đệ trình.
- Phiên xét xử
Trình tự thủ tục của phiên xét xử như sau:
- Phát biểu mở đầu,
- Đối chất nhân chứng (nếu có nhân chứng),
- Hỏi-đáp chuyên gia (nếu có chuyên gia),
- Phát biểu sau cùng
Việc công khai phiên xét xử sẽ được thực hiện nếu các bên đồng ý. Ngoài ra, đối chất nhân chứng được thực hiện theo quy định tại quy tắc số 34(2)
- Ban hành phán quyết
Phán quyết sẽ được ban hành bằng văn bản và sẽ được tất cả các thành viên đã bỏ phiếu của hội đồng trọng tài ký. Phán quyết sẽ xét xử tất cả các vấn đề được đệ trình tới hội đồng trọng tài và đưa ra các giải thích về cơ sở đưa ra phán quyết. Tất các các thành viên của hội đồng trọng tài có thể đính kèm quan điểm cá nhân của mình vào phán quyết, liệu họ có phản đối gì đối với số đông hay không, hoặc lập luận về sự phản đối của họ. Phán quyết sẽ không được phát hành công khai khi không có sự đồng thuận của các bên (Điều 48 Công ước ICSID).
- Giải thích, sửa và huỷ phán quyết
Nếu bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ các bên về ý nghĩa hoặc phạm vi của phán quyết, các bên có thể yêu cầu giải thích phán quyết bằng việc nộp đơn tới Tổng thư ký. Yêu cầu sẽ được nộp đến hội đồng trọng tài đã ban hành phán quyết. Nếu không thể, một hội đồng trọng tài mới sẽ được thành lập. Nếu xác định vấn đề xem xét lại vụ việc là cần thiết, Hội đồng trọng tài có thể cân nhắc tạm hoãn việc thực thi phán quyết (Điều 50 Công ước ICSID).
Tương tự với trường hợp sửa và huỷ phán quyết, mỗi bên có thể yêu cầu bằng việc gửi yêu cầu bằng văn bản đến Tổng thư ký theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 Công ước ICSID.
- Công nhận và thực thi phán quyết
Phán quyết này là bắt buộc đối với các bên và sẽ không phụ thuộc vào việc kháng cáo hoặc không phụ thuộc vào các phương thức khác ngoại trừ các phương thức được quy định định trong công ước. Mỗi bên sẽ tuân thủ các điều khoản của phán quyết ngoại trừ việc thực thi phán quyết bị tạm hoãn theo các điều khoản có liên quan của Hiệp định này.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!