Dịch vụ tư vấn Bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần

Với quy mô kinh doanh lớn, đa ngành nghề tại Việt Nam, loại hình công ty cổ phần ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty cổ phần cũng như thúc đẩy nhà đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần, bảo vệ cổ đông thiểu số (CĐTS) trong công ty cổ phần là một vấn đề cấp thiết cần được pháp luật thiết lập, đồng thời, trong các cơ chế chung về quản trị công ty, việc bảo đảm đối xử bình đẳng với mọi cổ đông, kể cả cổ đông thiểu số vào cổ đông nước ngoài là một thông lệ tốt. Pháp luật doanh nghiệp hiện chưa có định nghĩa thế nào là CĐTS. Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận, hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này:

  • Quan điểm thứ nhất cho rằng CĐTS là những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% số cổ phần trong công ty. Cách hiểu này xuất phát từ việc pháp luật Chứng khoán (khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019) định nghĩa cổ đông lớn (CĐL) là cổ đông sở hữu từ 5% (năm phần trăm) trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành. Theo đó, người sở hữu dưới 5% tổng số cổ phần trong công ty được xếp vào nhóm CĐTS. Với cách hiểu này, tỉ lệ sở hữu cổ phần là tiêu chí duy nhất để xác định CĐTS trong công ty.
  • Quan điểm thứ hai cho rằng để xác định CĐTS cần xem xét tổng thể trên cả tiêu chí tỷ lệ sở hữu cổ phần và khả năng chi phối, kiểm soát hoạt động trong công ty giữa các nhóm cổ đông. Bởi trên thực tế, vẫn có trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần tương đối lớn, nhưng lại không có quyền kiểm soát, điều hành chi phối trong công ty do nhóm CĐL nắm giữ đủ số cổ phần để toàn quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp. 

Insight into the shareholders agreements of Joint-Stock companies in Russia

Nhóm quyền tài sản

Quyền tài sản bao gồm quyền nhận cổ tức, quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, quyền nhận một phần tài sản khi công ty giải thể. Nhóm quyền tài sản là một nhóm quyền tất yếu của cổ đông khi đã góp vốn vào công ty, do đó, theo quy định của pháp luật, các cổ đông thiểu số cũng như các cổ đông khác đều có nhóm quyền tài sản như nhau. 

Nhóm quyền quản trị công ty – quyền đề cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát

Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Đây là quyền chung của cổ đông thiểu số và các cổ đông khác, tuy nhiên, đối với nhóm cổ đông thiểu số, đây là những quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao quyền lực của cổ đông.

Với quy định này, các cổ đông thiểu số khi tập hợp từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên sẽ có quyền ứng cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và có thể nắm được thông tin nội dung cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (Đại hội đồng cổ đông thường thông qua những nội dung mà hội đồng quản trị đã chuẩn bị sẵn), tham gia quyết định, ý kiến một số vấn đề quan trọng của công ty. 

Luật doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần liên tục ít nhất sáu tháng thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần phổ thông trở lên đối với quyền đề cử người vào thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát và quyền khởi kiện đối với người quản lý điều 166 luật doanh nghiệp 2020. 

Hơn thế nữa, Điều 115 của Luật doanh nghiệp 2020 cũng bổ sung thêm quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên được quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp và yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra các vấn đề liên quan đến việc quản lý công ty. Quy định mới này đã mở rộng quyền cho nhóm cổ đông thiểu số thông qua việc tạo cho họ sự chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhóm quyền thông tin

Thông tin phải được công bố công khai và minh bạch, bao gồm: 

  • các kết quả hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty như báo cáo tài chính; 
  • các mục tiêu hoạt động của công ty; 
  • sở hữu của các cổ đông chính và có quyền biểu quyết.

Nhóm quyền này giúp cổ đông thiểu số nắm bắt tình hình hoạt động cụ thể của công ty và có những biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa hành vi vi phạm. Ngoài ra, Luật doanh nghiệp 2020 đã bổ sung quy định tập hợp vào cập nhật danh sách những người có liên quan đến công ty, thành viên hội đồng quản trị phải kê khai các lợi ích liên quan đến mình với công ty (Điều 164 luật doanh nghiệp 2020). Quy định này đã mở ra một cánh cửa cho nhóm cổ đông thiểu số có thể kiểm soát được giao dịch giữa hội đồng quản trị và người liên quan phải giúp mọi giao dịch trở nên minh bạch và công bằng hơn.

Về nhóm quyền thông tin này, quy định pháp luật Việt Nam cũng như Luật doanh nghiệp 2020 cơ bản đã quy định khá đầy đủ. Một số ít bất cập như tỷ lệ thông tin phải cung cấp khi có yêu cầu hạn chế và chủ yếu chú ý đến các thông tin trong quá khứ, song Luật doanh nghiệp 2020 cũng có những thay đổi đáng kể liên quan đến việc bảo vệ cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, lợi ích của việc áp dụng những quyền này còn phụ thuộc vào năng lực và khả năng phân tích đánh giá những thông tin của cổ đông thiểu số.

Nhóm quyền phục hồi quyền lợi

Đây là quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định của đại hội đồng cổ đông. Luật doanh nghiệp 2020 cho quyền này cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 5% cổ phần phổ thông trở lên để yêu cầu tòa án hoặc trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục ra triệu tập họp và ra quyết định hoặc nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật và điều lệ công ty.

Với quy định của quyền này, luật doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho cổ đông và đặc biệt là cổ đông thiểu số chủ động can thiệp vào những vấn đề nội bộ của công ty cũng như chủ động bảo vệ mình. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi quyền này, cổ đông thiểu số lại rất ít khi sử dụng. Ngoài ra, việc yêu cầu giải quyết trọng tài giải quyết chỉ có thể thực hiện được khi xác định tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại theo khoản 1 Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, mà hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Do đó, việc cổ đông yêu cầu trọng tài thì quyết định của hội đại hội đồng cổ đông có thuộc thẩm quyền của trọng tài hay không là vấn đề còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Hơn thế nữa, trong thủ tục giải quyết tại tòa án, việc xác định yêu cầu hủy quyết định của Đại hội đồng cổ đông là một tranh chấp kinh doanh, thương mại theo thủ tục tố tụng hay chỉ là yêu cầu về kinh doanh, thương mại theo thủ tục tố tụng đối với việc dân sự vẫn còn là một vấn đề chưa được làm rõ.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53  hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!