Trọng tài ngày càng trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Lựa chọn luật áp dụng và giải quyết các vấn đề về xác định luật áp dụng là một khâu quan trọng trong toàn bộ tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài (giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài). Luật áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài TMQT gồm hai phạm vi chính là:
- Luật về thủ tục, gồm luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài và luật áp dụng đối với tố tụng trọng tài.
- Luật về nội dung là luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp cần giải quyết.
Công ty chúng tôi sẽ đưa ra nhưng phân tích về vấn đề luật áp dụng như sau:
Luật về thủ tục
Luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài ấn định thẩm quyền của trọng tài đối với tranh chấp nên trọng tài viên phải dựa vào nội dung thỏa thuận trọng tài để giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận trọng tài. Khi không thể làm được điều đó, họ mới dựa vào luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài. Thông thường, việc xác định luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài trở nên cần thiết trong các trường hợp sau:
(i) có sự phản đối thẩm quyền của trọng tài được đưa ra trước hội đồng trọng tài;
(ii) có yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài.
- Xác định thẩm quyền của trọng tài và vấn đề tự quyết thẩm quyền
Một nguyên tắc căn bản trong luật trọng tài các nước trên thế giới là hội đồng trọng tài có thể tự quyết định thẩm quyền của mình (competence – competence – nghĩa là thẩm quyền của thẩm quyền). Điều này có nghĩa là nếu một bên có khiếu nại về việc vụ tranh chấp hoặc một khía cạnh nào đó trong vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, việc này trước hết sẽ do hội đồng trọng tài quyết định.
- Xác định hiệu lực của thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài được xem là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ hoạt động trọng tài, kể từ lúc bắt đầu thủ tục trọng tài đến khi công nhận và thi hành quyết định trọng tài.
Vấn đề luật điều chỉnh hiệu lực của thoả thuận trọng tài: Thoả thuận trọng tài phải tuân thủ luật của nước được áp dụng đối với thoả thuận trọng tài. Hiệu lực của thoả thuận trọng tài được xem xét trong hai trường hợp sau:
- Khi có sự phản đối (khiếu nại) về thẩm quyền của trọng tài được đưa ra trước hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ việc nhưng chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Luật do các bên thoả thuận lựa chọn điều chỉnh thoả thuận trọng tài là căn cứ xác định tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài. Nếu các bên đã không có bất kỳ sự thoả thuận chọn luật nào như vậy, có ba hướng giải quyết chính:
(1) thoả thuận trọng tài sẽ được điều chỉnh bởi luật của nước nơi tiến hành trọng tài (place of arbitration);
(2) Thoả thuận trọng tài được điều chỉnh bởi luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp;
(3) các quy tắc trọng tài của tổ chức trọng tài mà các bên đã lựa chọn để giải quyết tranh chấp được áp dụng.
- Khi có yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài: Luật do các bên lựa chọn gồm pháp luật điều chỉnh nội dung hợp đồng hoặc luật riêng khác điều chỉnh điều khoản trọng tài sẽ được áp dụng để xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
Luật áp dụng đối với tố tụng trọng tài
Luật áp dụng đối với tố tụng trọng tài quy định các thủ tục thành lập Hội đồng trọng tài, thay thế trọng tài viên, khiếu nại quyết định trọng tài… và trình tự cụ thể của quá trình trọng tài như: áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thông báo trọng tài, phiên họp giải quyết tranh chấp, hoà giải, đình chỉ giải quyết tranh chấp, ra phán quyết trọng tài, lưu trữ hồ sơ, thi hành phán quyết trọng tài, huỷ phán quyết trọng tài…
Nguyên tắc được ghi nhận trong Luật mẫu về TTTMQT của UNCITRAL năm 1985 (Điều 19) là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tranh chấp (party autonomy), theo đó:
“1. Các bên được tự do thoả thuận về tố tụng mà hội đồng trọng tài phải thực hiện khi tiến hành tố tụng.
2. Nếu không có thoả thuận đó, hội đồng trọng tài có thể tiến hành trọng tài theo cách thức mà hội đồng trọng tài cho là thích hợp. Quyền trao cho hội đồng trọng tài bao gồm quyền xác định việc thừa nhận, tính hợp lý, sự xác đáng và trọng lượng của chứng cứ”.
Luật về nội dung: Luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp cần giải quyết
Pháp luật nội dung là căn cứ pháp lý để trọng tài xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết đối với nội dung vụ việc tranh chấp. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài thường liên quan đến các nước khác nhau; do đó khả năng xung đột về pháp luật trong giải quyết tranh chấp là điều dễ xảy ra, thể hiện trên những khía cạnh sau:
- Xung đột pháp luật của các nước có các bên tranh chấp: là hiện tượng pháp luật của hai hay nhiều quốc gia đều có khả năng được lựa chọn làm căn cứ để giải quyết tranh chấp. Việc lựa chọn luật áp dụng sẽ theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì Hội đồng Trọng tài sẽ xác định luật áp dụng theo những quy tắc nhất định.
- Xung đột giữa thỏa thuận của các bên tranh chấp và pháp luật: Trong tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, thỏa thuận của các bên tranh chấp có thể trái với pháp luật của một trong các quốc gia của các bên hoặc trái với pháp luật của các bên hoặc trái với tất cả các hệ thống pháp luật hiện hành.
Luật mẫu về Trọng tài Thương mại quốc tế của Ủy ban của Liên Hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) năm 1985 (sau đây viết tắt là Luật mẫu UNCITRAL 1985) áp dụng cho trọng tài thương mại quốc tế, theo bất kỳ thoả thuận hiện hành nào giữa quốc gia này với quốc gia khác hoặc các quốc gia. Điều 28 Luật này quy định về nguyên tắc áp dụng đối với nội dung tranh chấp như sau:
”1. Hội đồng trọng tài sẽ quyết định tranh chấp căn cứ vào nguyên tắc của luật áp dụng cho nội dung tranh chấp mà các bên đã chọn. Bất kỳ sự chỉ rõ luật hoặc hệ thống pháp lý của nước được chọn sẽ được giải thích trừ khi qui định khác như là sự dẫn chiếu một cách trực tiếp tới luật nội dung của quốc gia đó và không dẫn chiếu đến nguyên tắc xung đột luật của nước này.
- Nếu các bên không chọn luật, hội đồng trọng tài sẽ áp dụng luật được xác định bởi các nguyên tắc xung đột luật mà hội đồng trọng tài thấy thích hợp.
- Hội đồng trọng tài có thể quyết định trên cơ sở lẽ công bằng hoặc tính hợp lý chỉ khi các bên đã ủy quyền rõ ràng cho hội đồng được làm như vậy.
- Trong mọi trường hợp, hội đồng trọng tài sẽ quyết định căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng và cân nhắc tới tập quán thương mại áp dụng cho giao dịch đó”.
Trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, chỉ khi các bên không có thỏa thuận về lựa chọn luật, hội đồng trọng tài mới được quyền quyết định áp dụng một hệ thống luật pháp phù hợp hoặc dựa trên một số nguyên tắc xung đột pháp luật, hoặc quyết định dựa trên tập quán, thông lệ thương mại.
Việc xác định luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp trong phương thức trọng tài TMQT có một số điểm cần lưu ý như sau:
- Thứ nhất: Ngoại lệ của nguyên tắc ”sự tự chủ của các bên” (party autonomy)
Trong một số trường hợp nhất định, hội đồng trọng tài có thể giải quyết tranh chấp về nội dung theo ”lẽ công bằng” (ex aequo et bono) hoặc với tư cách ”nhà trung gian hòa giải” (amiable compositueu) nếu các bên thống nhất trao đầy đủ quyền này cho Hội đồng trọng tài. Khi đó, Hội đồng trọng tài không phải tuân thủ triệt để các quy định của luật đã được các bên xác định nếu việc tuân thủ đó dẫn tới kết quả không công bằng. Khác với trường hợp xét xử theo ”lẽ công bằng”, với tư cách ”nhà trung gian hòa giải”, Hội đồng trọng tài không được loại trừ việc áp dụng các quy định mang tính bắt buộc nhằm bảo vệ trật tự công công và/hoặc chủ quyền quốc gia.
- Thứ hai, trường hợp các bên tranh chấp không sử dụng quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng
Nếu các bên tranh chấp không sử dụng quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với nội dung của hợp đồng, Trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài sẽ phải tự mình xác định luật áp dụng. Luật mẫu về TTTMQT của UNCITRAL 1985 (Điều 28) quy định:”2. Nếu các bên không chọn luật, hội đồng trọng tài sẽ áp dụng luật được xác định bởi các nguyên tắc xung đột luật mà hội đồng trọng tài thấy thích hợp”.
Các phương pháp xác định luật áp dụng được sử dụng trong phương thức trọng tài:
- Áp dụng trực tiếp quy tắc xung đột pháp luật, không dựa vào bất kỳ hệ thống luật quốc gia nào mà tự trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài quyết định sử dụng luật của quốc gia mối liên hệ gần gũi nhất với hợp đồng (quốc tịch/nơi cư trú/trụ sở thương mại của các bên, nơi giao kết hợp đồng, nơi thực hiện nghĩa vụ chính…) để áp dụng cho nội dung tranh chấp cần giải quyết.
- Xác định luật áp dụng dựa vào nguyên tắc chung của TPQT đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế quan trọng và áp dụng phổ biến (như: Công ước Lahaye năm 1955, năm 1986 về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Nghị quyết số 593/2008 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu ngày 17/6/2008 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng…
- Xác định luật áp dụng tổng hợp các quy tắc xung đột pháp luật (the cumulative application of relevant conflict of law rules) trong TPQT của các nước liên quan đến tranh chấp (quốc tịch/nơi cư trú/trụ sở thương mại của các bên, nơi giao kết hợp đồng, nơi thực hiện nghĩa vụ chính…); theo đó nếu việc xác định dẫn đến cùng một kết quả thì luật thực chất (luật điều chỉnh nội dung) của quốc gia được dẫn chiếu tới sẽ được áp dụng; nếu việc xác định dẫn chiếu tới luật các nước khác nhau thì Trọng tài viên/ hội đồng trọng tài tự quyết định trên cơ sở cân nhắc sự phù hợp giữa các yếu tố cơ bản thực tế của hợp đồng/tranh chấp với hệ thống pháp luật liên quan.
- Xác định luật áp dụng dựa vào các quy tắc xung đột pháp luật trong TPQT của nước nơi tiến hành trọng tài (conflict rules of the place of arbitration), được tiến hành tương tự như việc thẩm phán/tòa án quốc gia thực hiện đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài mà bằng thủ tục tố tụng tư pháp, mặc dù về lý luận thì trọng tài viên/hội đồng trọng tài không có nghĩa vụ bắt buộc áp dụng quy tắc xung đột luật trong TPQT của quốc gia nơi tiến hành trọng tài do họ không đương nhiên đại diện cho nhà nước khi xét xử vụ việc.
- Phương pháp áp dụng trực tiếp nguyên tắc tập quán thương mại quốc tế (Lex mercatoria), từ đó xác định luật áp dụng là các luật thống nhất về TMQT gồm các điều ước quốc tế đa phương và luật mẫu được các quốc gia thừa nhận trong việc điều chỉnh các hoạt động TMQT; các nguyên tắc chung trong giao dịch quốc tế (như nguyên tắc trung thực – good faith, nguyên tắc thiện chí – good will, nguyên tắc tận tâm thực thi cam kết quốc tế – pacta sunt servanda), các thói quen và tập quán quốc tế (như Bộ quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP) của ICC, Bộ quy tắc về điều kiện giao hàng (INCOTERMS) của ICC, các hợp đồng mẫu do các hiệp hội, tập đoàn thương mại quốc tế lớn xây dựng…). Trong thực tế, trọng tài thường kết hợp việc áp dụng luật quốc gia và sử dụng Lex mercatoria trong việc tìm ra căn cứ để điều chỉnh các vấn đề cụ thể của hợp đồng hoặc vụ việc tranh chấp.
Tóm lại, khi cần xem xét về luật nội dung điều chỉnh vụ việc, các nhóm luật sau cần được xác định một cách cụ thể:
- Luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài và việc thực hiện thỏa thuận;
- Luật điều chỉnh sự tồn tại và thủ tục tố tụng của hội đồng trọng tài (lex arbitri);
- Luật, hoặc các quy tắc pháp lý liên quan, điều chỉnh vần đề về nội dung của vụ tranh chấp (thuờng được gọi là “luật áp dụng”, “luật điều chỉnh”, “luật hợp đồng”, hoặc “luật nội dung”);
- Các quy tắc áp dụng và các hướng dẫn, khuyến nghị không có giá trị ràng buộc khác;
- Luật điều chỉnh việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!